Bạn đã bao giờ cảm thấy tiếc nuối khi chứng kiến ai đó biến ý tưởng từng lóe lên trong tâm trí của mình thành hiện thực và họ thành công rực rỡ? Khi Elizabeth Gilbert xuất bản cuốn sách nổi tiếng nhất của cô, truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới mang tên “Ăn cầu nguyện, và yêu”, cũng từng có rất nhiều độc giả gửi thư cho cô và nói rằng đó chính là câu chuyện cuộc đời họ, đó là hành trình mà họ từng mơ ước. Nhưng điểm khác nhau giữa Elizaberth và những người phụ nữa này là họ có dám thực hiện mong muốn đó hay không. Nhiều người thường nghĩ cơ hội phải là những gì bạn thấy rõ trước mắt và dễ dàng nắm bắt. Nhưng cơ hội nào cũng sẽ cần chúng ta ra quyết định và hiện thực hóa chứ chẳng mấy cơ hội cứ đến cho chúng ta chẳng phải làm gì. Đôi khi một ý tưởng, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu bạn cũng là một cơ hội. Điều này đặc biệt đúng với những người làm sáng tạo, kinh doanh. Tại sao ý tưởng đó nó lại đến với bạn vào lúc này mà không phải lúc khác. Bạn nắm bắt cơ hội đó ngay hay lại trì hoãn?

Một suy nghĩ, một ý tưởng cũng là cơ hội tìm đến

Tâm trí con người không phải lúc nào cũng rõ ràng như công thức 1+1=2, cũng chẳng có khoa học nào đã hiểu cặn kẽ về tâm trí con người. Nói theo một chút tâm linh, có thể coi những suy nghĩ về những điều bạn muốn làm, những cảm hứng dù chỉ trong một vài phút ngắn ngủi thôi, cũng là một nguồn năng lượng. Theo luật hấp dẫn, những nguồn năng lượng cùng tần số sẽ thu hút lẫn nhau. Những ý tưởng đó tìm đến bạn vào thời điểm thích hợp khi mà nó thấy bạn phù hợp để bắt đầu làm, và ngay tại thời điểm ấy bạn đã đủ khả năng và xứng đáng để bắt đầu một hành trình mới.

Sự trì hoãn là thói quen khó bỏ.

Cơ hội ở đây rồi, chỉ có bạn đang suy nghĩ nhiều, đang tự phức tạp hóa các vấn đề, tự bạn nghĩ là mọi thứ khó lắm. Nhiều suy nghĩ như vậy tạo thành một thói quen khó bỏ, ngăn chúng ta thực hiện những điều mình muốn. Khi suy nghĩ về điều muốn làm trong tâm trí ấy cứ lặp đi lặp lại, nguồn năng lượng đó vẫn đang đợi bạn thực hiện nhưng mọi chuyện trên đời này cũng phải có thời hạn. Ý tưởng đó, đam mê đó cũng có thể đến với người khác vào thời điểm phù hợp với họ, để họ biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Dù đây không phải cuộc chạy đua nhưng nhìn thấy người khác có cái mình muốn thực sự chẳng phải cảm giác dễ chịu. Còn công thêm việc bạn đã biết rồi, điều đó trong tầm tay mà bạn không làm, rồi người khác làm được, bạn còn thấy tiếc nữa.

Mình cũng chấp nhận là bản thân mình đã bỏ qua rất nhiều cơ hội, chỉ vì mình lười và trì hoãn. Việc sát deadline nộp bài cũng do sự trì hoãn này. Ngay trang đầu nhật ký, mình ghi đầy những điều muốn làm, những cuốn sách muốn đọc, và những khóa học muốn tham gia, nhưng mình cứ để nó từ năm này qua năm khác. Đôi lúc mình nhận ra là mình đã quên rằng mình từng có những ý tưởng đó. Cũng may mình có thói quen ghi lại. Rồi một ngày tình cờ mở lại cuốn sổ cũ mình mới nhớ ra, thậm chí mình để chúng mấy năm rồi vẫn im lìm trên trang giấy. Rồi đến một lúc, trong nghiên cứu của mình cần kiến thức trong những cuốn sách và khóa học đó, mình đành đọc vội vàng để làm cho kịp. Cũng có lần, khi đi làm, mình muốn đọc một cuốn sách. Bẵng đi một thời gian, đồng nghiệp của mình đã đọc và ứng dụng 1 giải pháp trong cuốn sách đó, và sếp rất hài lòng. Nếu mình thực hiện được điều đó sẽ rất tốt, chỉ là khi mình quên, có nghĩa là nguồn năng lượng đó đã đi tìm người phù hợp hơn. Rõ ràng bớt trì hoãn đi một chút, bớt lười bớt ngại đi một chút, bớt suy nghĩ nhiều mà thay vào đó là hành động, chúng ta có thể làm được bao nhiêu điều khiến cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.

IMG_4625-01

Cơ hội cũng chẳng ở đó mãi, nên ta đừng chờ đợi sự hoản hảo

Nếu có ai đó tỏ tình với bạn, mà bạn không trả lời, bắt người ta đợi từ năm này qua năm khác, liệu người ấy còn  ở đó mãi. Đó là câu chuyện mình học trong bộ phim “From 13 to 30”. Một anh bạn hiền lành yêu cô gái từ khi cô 13 tuổi, nhưng cô mải mê chạy theo những điều khác trong cuộc sống để rồi một mình khóc trong đám cưới của anh. Nếu cơ hội đó là một vị khách bất ngờ đến gõ cửa nhà bạn, nhưng bạn vẫn chưa sẵn sàng, bạn chưa dọn nhà sạch sẽ, bạn chưa trang điểm, chưa làm tóc, bạn chỉ mới ngủ dậy, liệu vị khách đó có đứng cửa đợi mãi mà không nhận được câu trả lời nào từ bạn hay không. Hay người ta gõ cửa hoài không thấy bạn, người ta sẽ nghĩ bạn không ở nhà và người ta phải đi.

Cũng có nhiều điều trong cuộc sống mà mình ước mình có thể làm sớm hơn. Ví dụ hồi mình làm hàng không, mình muốn mua vé cho bố mẹ đi chơi, tới bất cứ nơi nào bố mẹ muốn, nhưng rồi mình nghỉ việc đi du học, chẳng có nhiều thời gian đi chơi với bố mẹ. Mình từng nghĩ sẽ về quê ở với ông bà mấy tuần, trồng rau, nuôi gà, vẽ tranh, đọc sách, nhưng giờ ông bà cũng qua đời rồi. Cơ hội, không chỉ là điều kiện để mình phát triển bản thân mà còn là những niềm vui trong cuộc sống, để gần gũi hơn với những người mình yêu thương, nhưng những người thương yêu của chúng ta chẳng ở đó mãi mãi.

Chúng ta luôn cố gắng chờ đợi một thời điểm hoàn hảo, khi chúng ta trở nên hoàn hảo, chờ một điều kiện mà chính bản thân mình cũng không thể kiểm soát được. Nhưng chúng ta đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chắc gì tháng sau bạn nhiều thời gian hơn tháng này. Nếu không học hỏi trau dồi bản thân chắc gì năm sau mình đã nhiều kỹ năng và giỏi giang năm trước. Nếu không làm thì đâu biết kết quả sẽ ra sao. Và chắc gì “vị khách” trên đã cần bạn phải trang điểm, nhà bạn phải sạch khi họ đến. Mình cứ làm rồi cải thiện dần thì mình sẽ học được điều mới, và mình sẽ đến gần hơn tới đích mà mình muốn. Thật là lạ, người ta càng biết nhiều, thì lại càng suy nghĩ nhiều và lại càng đưa ra hàng tỷ lý do để trì hoãn. Còn khi chúng ta hồn nhiên và ngây thơ như những đứa trẻ, chúng ta liều lĩnh hơn và lắng nghe trái tìm mình nhiều hơn, cứ thích là làm, thậm chí quấy khóc không yên nếu không được làm điều mình muốn ngay lập tức.  

IMG_4330-01

Nhận ra và sẵn sàng nắm bắt cơ hội

Hiện tại nếu bạn muốn làm điều gì đó, thấy mình được thôi thúc làm điều gì đó, hãy làm ngay, đừng suy nghĩ nhiều nữa. Không chỉ trong công việc, sự nghiệp mà còn là từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Dù bên trong bạn có những tiếng nói nhỏ rằng “khó lắm, mình không làm được đâu” “liệu mình đã đủ khả năng chưa”, hay thậm chí người khác nó bạn chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi, nhưng hãy kệ những tiếng xì xào đó, bạn là người hiểu rõ nhất điều bạn muốn làm.

Năm vừa rồi, mình nhận một công việc, mà khi nộp đơn ứng tuyển, mình nghĩ mình chỉ làm được một phần những nhiệm vụ, nhưng mình vẫn nộp và được offer công việc đó. Sau mấy tuần liền mò mẫm, chỉnh sửa code bị lỗi, mình nói với Thầy là “Xin lỗi thầy, vì em làm rất chậm”. Thầy nói với mình rằng “Thầy hiểu việc này cần nhiều thời gian đến vậy, bởi vì những dự án tương tự ở Mỹ, họ có funding để thuê nhân công nhập liệu, còn ở đây mình chỉ có một mình” và mình buộc phải viết một chương trình thu thâp dữ liệu tự động. Mình không nghĩ là mình có thể làm được, nhưng mình đã học từng chút một. Khi bắt đầu tự học Data, mình cũng từng nghĩ không biết bao giờ mình mới có thể tự tin nói mình làm trong lĩnh vực Data Science. Thế rồi sau cả đống Assignment môn Machine Learning, sau mấy tháng trời đi thực tập ở team Data Science, và công việc làm thêm này, giờ mình có thể tự tin hơn mỗi lần nói mình đề tài của mình ứng dụng Data Science và mình học PhD ở Computer Science.

Chính vì lẽ  đó, mình luôn tin rằng khi bạn cảm nhận được đây là cơ hội tốt, đồng nghĩa với việc nó đã tìm đến bạn vì bạn phù hợp với nó. Đừng ngần ngại nắm bắt, kể cả khi nó có vẻ vượt quá khả năng hiện tại của bạn. Bởi trong quá trình bạn đón nhận và hành động, bạn sẽ học hỏi, tự điều chỉnh bản thân, từng bước nâng cao năng lực của mình. Đừng chờ đợi cho đến khi mọi sự chuẩn bị hoàn hảo, bởi không bao giờ có thời điểm hoàn hảo cả. Hãy bắt đầu từng bước nhỏ, cho mình cơ hội phát triển và nuôi dưỡng ý tưởng, như cách bạn chăm sóc một hạt giống để nó lớn lên thành cây. Trên con đường đến với thành công, không có lối tắt hay con đường dễ dàng. Nếu chỉ tìm kiếm những lối đi ngắn, bạn sẽ mãi lạc lối và không bao giờ tới đích.

Đôi khi cơ hội không giống như những gì bạn nghĩ

Mình đọc trong một cuốn sách rằng, những gì bạn lên kế hoạch chỉ là những điều nằm trong tầm hiểu biết của bạn mà thôi. Tuy vậy, thế giới này muôn màu, đâu phải điều gì bạn cũng có thể biết và lường trước được hết. Đôi khi mầm mống của cơ hội không giống như những gì bạn nghĩ. Có khi cơ hội đến rồi, nhưng bạn từ chối vì thấy nó quá nhỏ. Nhưng tất cả những gì đến tìm bạn đều là cơ hội, dù nó không hào hoáng, đẹp đẽ nhưng chúng ta kỳ vọng. Thử thách cũng là cơ hội để học điều mới và khẳng định bản thân, để nâng cao năng lực bản thân mình để làm những điều lớn lao hơn. Làm một việc nhỏ là cầu nối tới cơ hội lớn. Mỗi bước chân nhỏ sẽ đưa bạn tới gần hơn với đích đến. Khi bạn đã mong cầu, hãy mở lòng, đừng phán xét.

Bạn thuộc kiểu trì hoãn nào?

Trì hoãn, một rào cản tâm lý phổ biến, có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Hiểu biết về các kiểu trì hoãn khác nhau và cách đối phó với chúng sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

Kiểu 1: Người Cầu Toàn (The Perfectionist). Đây là những người chú trọng quá mức vào chi tiết nhỏ nhặt, khiến họ sợ hãi khi bắt đầu một công việc. Lời khuyên để đối phó vơi kiểu trì hoãn này là đừng để sự ám ảnh với chi tiết làm mất thời gian của bạn. Xác định rõ mục đích của công việc và đặt hạn chót cho mỗi nhiệm vụ, giúp bạn tập trung và hoàn thành công việc đúng hạn.

Kiểu 2: Kẻ Mộng Mơ (The Dreamer): Người thích lập kế hoạch hơn là hành động. Để biến kế hoạch thành hành động, chúng ta cần đưa bản thân trở lại mặt đất bằng cách đặt mục tiêu cụ thể hàng ngày theo khung SMART và chia nhỏ kế hoạch thành các bước thực hiện dễ dàng hơn.

Kiểu 3: Kẻ Trốn Tránh (The Avoider / Self-Saboteur): Đảm nhận công việc mà mình nghĩ mình không thể làm được cũng là một nỗi sợ khiến chúng ta ở mãi trong vùng an toàn với những điều quen thuộc. Chúng chọn làm việc dễ trước, rồi việc khó để sau và để đến vô thời hạn. Lời khuyên: Hãy tập trung vào những việc thách thức nhất đầu tiên. Điều này sẽ tạo động lực và cảm giác thành tựu, khuyến khích bạn tiếp tục làm việc hiệu quả.

Kiểu 4: Kẻ Gây Rắc Rối (The Crisis-Maker): Người ta thường nghĩ rằng dưới áp lực sẽ hiệu quả hơn và thường hoãn công việc đến phút chót. Nhưng thực ra bạn không biết rằng rượu ủ lâu ngày mới thơm ngon, việc lớn cần đầu tư thời gian công sức. Tập trung làm việc, áp dụng kỹ thuật Pomodoro, chia công việc thành các phiên ngắn và tập trung, xen kẽ với những khoảng nghỉ ngơi.

Kiểu 5. Người Quá Bận Rộn (The Busy Bee): “Không có thời gian” đó là lý do phổ biển nhất để người ta hoãn làm một việc gì đó. Chúng gặp khó khăn trong việc ưu tiên công việc do quá nhiều nhiệm vụ hoặc quá bận rộn với những việc lặt vặt như những kẻ trốn tránh và không làm việc khó khăn hơn. Lời khuyên để đối phó với kiểu trì hoãn này đó là xác định rõ ưu tiên của bạn. Công việc quan trọng nên được đặt lên hàng đầu so với những công việc khẩn cấp nhưng không mang lại giá trị lâu dài.

IMG_4435-01

Câu hỏi bạn đặt ra cho chính mình để chào đón những cơ hội đến

Cuộc sống bận rộn và bộn bề những áp lực, bạn có thường xuyên dành thời gian để tự kết nối với chính mình, để hiểu rõ hơn về những điều bạn thực sự cần và muốn không? Hay bạn đang để cuộc sống bị chi phối bởi những yêu cầu và kỳ vọng từ người khác, mất dần đi sự kết nối với bản thân?

Bất kể cuộc sống có bộn bề đến đâu, đừng quên dành cho mình những khoảnh khắc riêng tư, để làm những điều bạn yêu thích, những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn. Hãy tự hỏi mình:

  • Bạn có thực sự đang sống theo cách bạn mong muốn?
  • Các mối quan hệ và nguồn thông tin mà bạn tiếp xúc hàng ngày có thực sự mang lại cho bạn nguồn năng lượng tích cực, giúp bạn phát triển không?
  • Bạn có đang chủ động tìm kiếm và kết nối với những người, những nguồn thông tin giúp bạn phát triển và đạt được mục tiêu của mình không?

Có thể trong bạn vẫn còn những tiếng nói nghi ngờ, những sóng nhiễu do môi trường xung quanh gây ra. Nhưng hãy nhớ, bạn là người duy nhất biết chắc chắn những gì mình muốn và cần, bạn là người nắm trong tay cuộc đời của chính mình. Bạn không cần sự xác nhận hay chấp nhận từ người khác. Hãy tin tưởng vào bản thân, lắng nghe và theo đuổi những ước mơ và khao khát của chính mình.

Lại một năm nữa lại qua rồi. Liệu lần này bạn có sẵn sàng mở cửa đón vị khách lạ vào nhà. Mình hi vọng lần này bạn sẽ không để vụt mất cơ hội của chính mình nữa.  

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mớ trên Blog.

Theo dõi tại link này.

Mình giới thiệu bạn 1 cuốn sách và 1 nguồn tin giúp bạn hình thành thói quen tốt, vượt qua sự trì hoãn