NỘI DUNG BÀI VIẾT
Chánh niệm là một trong 8 yếu tố của Bát Chánh Đạo. Chánh niệm, trái ngược với Tà niệm. Tà Niệm là nơi chánh niệm tách biệt với phần còn lại của Bát Chánh Đạo. Bởi vậy, để thực sự chữa lành và có một cuộc sống hạnh phúc, tập trung vào hiện tại thôi là chưa đủ.
Hôm nay khi tình cờ theo dõi một trang Instagram tên là Philosophy Insight, mình đọc được một câu quote của nhà văn Haruki Murakami.
But we cannot simply stare at our wounds forever _ Haruki Murakami
Câu nói này khiến mình nghĩ đến những vấn đề mình từng đặt câu hỏi, nhưng chẳng bao giờ dám hỏi, bởi mình chẳng bao giờ có thể hiểu hết về những tổn thương. Ít nhất, mình không thể hiểu hết được những tổn thương của người khác. Mình cũng không thể nói về cách mình vượt qua những tổn thương mà mình từng có và bảo người khác cũng nên làm vậy để vượt qua vấn đề của họ. Qua những vòng lặp tổn thương mãi không dứt, mình tự hỏi liệu gốc rễ của những tổn thương ấy là gì, làm thế nào để nhổ chúng tận gốc và liệu chúng ta có đang thực sự chữa lành hay không. Nhưng mình nghĩ ít nhiều, chúng ta cần phải làm gì đó, chứ không thể ôm những tổn thương mãi mà than thân trách phận.
Bắt nguồn cho những suy nghĩ của mình khi mình thấy rất nhiều những điều mình gặp hay những chia sẻ trên mạng xã hội, hơi trái ngược với suy nghĩ và nhận thức của mình. Nói cách khác, mình thấy khá nghi ngờ nhân sinh, những điều khiến nhân sinh quan của mình đảo lộn.
Mong cầu hạnh phúc và những con đường tắt
Có mấy chuyện liên quan, hồi đại học, mình từng tranh luận với bạn bè khi mà người người thích những chyến đi biền biệt cả năm trời. Mình chỉ hỏi “Nếu như người trẻ ai cũng bỏ việc đi du lịch, 30 tuổi về hưu, ai cũng lên núi đi tu, thì ai sẽ làm việc xây dựng đất nước?”. Khi ấy những người bạn của mình chẳng cho mình câu trả lời nào, và cả bây giờ cũng vậy. Quyết định của chúng ta chẳng có gì đúng, chẳng có gì là sai, chỉ là mình không nghĩ đó là một “lối sống chuẩn mực” mà mình hướng đến. Và mình cũng có cả những người bạn, những những người thích chọn chốn phồn hoa, thích những thành phố lớn, thích những thành tựu, những đỉnh cao mới, cũng chẳng có vấn đề gì. Họ chọn vậy không phải vì họ không biết hạnh phúc đích thực. Chỉ là những lựa chọn của chúng ta khác nhau.
Ai trong chúng ta cũng mong cầu bình yên, hạnh phúc. Ai cũng có trong mình “tình lười”. Chẳng ai muốn đối mặt với sự khó khăn, vất vả. Một cách tự nhiên mọi hiện tượng sự vật trong cuộc sống này đều chọn nơi tiện nhất. Nước chảy chỗ trũng và con người chọn chỗ thuận tiện. Chúng ta luôn muốn tìm lỗi tắt, luôn muốn những điều dễ dàng. Ai cũng muốn những thành tựu nhưng không phải ai cũng muốn bỏ công bỏ sức. Chúng ta luôn thích những bí quyết và mẹo vặt. Trong cuộc sống bận rộn với quá nhiều mối quan tâm, quá nhiều áp lực ngày nay, chúng ta chọn những con đường tắt để chữa lành những tổn thương của chính mình. Đồ ăn nhanh thì tiện và ngon, nhưng thực ra chúng chẳng tốt cho sức khỏe. Những con đường tắt cũng vậy.
Luẩn quẩn bao suy nghĩ từ những vẫn đề trong cuộc sống mà mình quan sát, mình tự hỏi, khi chúng ta rời xa nơi ồn ào là chúng ta tìm về chốn bình yên hay chúng ta đang đi trốn tránh những vấn đề của thực tại, chúng ta chữa lành hay chúng ta cố gắng che đậy đi những vết thương. Giống như trong bài “Sự lạc quan độc hại” mà mình từng viết, đôi khi chúng ta cứ nghĩ mình lạc quan, nhưng thực ra lại đang đánh lừa cảm xúc của mình và không làm gì thực sự giải quyết vấn đề cả.
Ngành công nghiệp chữa lành
Trong cuộc sống với đầy những bất ổn, chữa lành trở thành nhu cầu cần thất, và tất nhiên những nhà kinh doanh không thể bỏ qua được xu hướng này. Nhưng mình nghĩ điều gì đã thành xu hướng, và có những lợi ích kinh tế phia sau thì nó có thể không còn giữ nguyên được bản chất của nó nữa. Giống như cách sách self-help, dạy làm giàu từng thống trị các kệ sách, và cả đầu giường của cả thế hệ (mình nghĩ là Millenial) thì ngày nay thế giới tâm hồn của chúng ta dành chỗ cho những sản phẩm mang tính chữa lành với nhiều hình thức khác nhau từ Sách, Youtube, tiktok, Podcast… và những công cụ khác trong đó có Tarot, vật phẩm phong thủy. Là một Tarot reader, và cũng thực hành luật hấp dẫn, tin vào nhân quả, và đọc Kinh Phật, thích tìm hiểu tôn giáo, mình tin vào sự “nhiệm màu” nhưng mình cũng thấy đôi khi những niềm tin bị lợi dụng và bị truyền bá lệch lạc. Điều này khiến những người tin vào thế giới tâm linh bị hoang mang, tệ hơn là mê tín. Còn những người không tin lại càng thấy chúng “nhảm nhí” và lại càng không muốn tiếp tục tìm hiểu. Và tất nhiên chúng ta không thể yêu khi mà chúng ta không hiểu.
Khi chữa thành trở thành thức ăn nhanh, chánh niệm trở thành mặt hàng thương mại
McMindfulness là từ được nhại lại từ McDonal và Mindfulness, được nhắc đến trong cuốn sách McMindfulness: How Mindfulness Became the New Capitalist Spirituality của tác giả Ron Purser, một giáo sư và thiền sư người Hàn Quốc, xuất bản năm 2019. Tác giả đưa ra một góc nhìn phê phán về cách mà chánh niệm đã bị biến tấu và thương mại hóa trong xã hội hiện đại.
Chánh niệm, bắt nguồn từ Phật giáo, ban đầu là một phần của một con đường tâm linh hướng tới sự tỉnh thức và giải thoát. Thế nhưng, trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một sự “McDonald hóa” của chánh niệm, nơi mà nó đã bị tước bỏ khỏi bối cảnh tôn giáo và văn hóa gốc và biến thành một công cụ vi diệu có thể “khắc phục” nhanh chóng cho mọi vấn đề từ căng thẳng tới trầm cảm. Như mình đã nói ở trên, ai trong chúng ta cũng muốn “nhanh”, đặc biệt trong cuộc sống quá bận rộn. Sự phổ biến của McMindfulness không chỉ là một trào lưu tình thế mà còn phản ánh một khía cạnh sâu xa hơn của xã hội hiện đại: sự hấp tấp, thiếu kiên nhẫn và nhu cầu tìm kiếm giải pháp nhanh chóng cho mọi vấn đề.
Tránh đề cập những lý thuyết trừu tượng, những vấn đề chữa lành, chánh niệm được quảng bá như một sản phẩm dễ tiêu thụ, những content ăn khách, những cách làm đơn giản nhưng có thể giúp bản thân giải quyết hầu hết mọi vấn đề của cuộc sống. Điều này tạo ra một xu hướng nguy hiểm: coi chánh niệm như một loại “thuốc chữa bách bệnh”, mà không cần phải đối mặt với những vấn đề sâu xa trong xã hội và cuộc sống cá nhân. Đặc biệt, chúng khiến người ta rũ bỏ đi sự cố gắng, ý chí vượt khó, và thụ động, chấp nhận, cố gắng thích nghi với hoàn cảnh không như ý, thậm chí đầy bất công, và không làm gì cả (hoặc nghĩ rằng tất cả có thể thay đổi chỉ cần bạn ngồi thiền và cầu nguyện). Quay lại với câu hỏi mình đặt ra ở trên, chúng ta tìm chốn bình yên hay đang cố gắng trốn tránh thực tại.
Chưa kể, trào lưu này cũng tạo động lực cho nhiều người trở thành nhà chữa lành, thậm chí là nhà sư giả mạo, thiền sư trở thành KOL, và thủy tinh trở thành đá phép. Nhưng khi họ chưa hiểu hết vấn đề, những content được xào đi xào lại sau khi đọc không kỹ, dẫn dến truyền bá những tư tưởng lệch lạc.
Một nửa sự thật, không phải sự thật
Một phương pháp phổ biến mà ngành công nghiệp này áp dụng đó là họ “trần tục hóa” những lý thuyết tôn giáo và giải thích chúng không toàn diện. Nhiều lý thuyết tôn giáo, câu truyện triết học được nhắc lại nhưng loại trừ những yêu cầu và những yếu tố cần thiết, nhằm đưa ra những phương pháp “chữa lành” hết sức dễ hiểu, dễ làm nhưng được cho là hiệu quả. Một ví dụ phổ biến, mình có thể nhắc đến Luật hấp dẫn. Mình thấy nhiều kênh chia sẻ Luật hấp dẫn như thể bạn chỉ ngồi đó cầu nguyện, đọc “thần chú” và tự nhiên điều bạn muốn sẽ xuất hiện. Ví dụ, người ta nói đọc thần chú “Tiền bạc đến với tôi liên tục” và hi vọng ngày mai bạn giàu. Tuy nhiên họ bỏ qua (hoặc là không biết) đến những vấn đề gốc như “niềm tin cốt lõi”, “nỗi sợ”, và cả hành động để đón nhận tín hiệu nữa. Điều này khá phức tạp, mình sẽ các cuốn sách mình tìm hiểu về tâm linh nói chung và luật hấp dẫn nói riêng ở bên dưới, nhưng tóm lại, Luật hấp dẫn không phải là “chỉ cần cầu nguyện là cái gì cũng có”.
Có rất nhiều người nói đến câu nói nổi tiếng trong cuốn sách “Nhà Giả Kim” của Cello Paulo.
“Khi bạn thực sự mong muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ giúp bạn đạt được điều đó”.
Cello Paulo.
Nhưng người ta ít người đọc và hiểu hết hành trình của cậu bé Santiago trong truyện, và cũng không phải ai cũng hiểu “thực sự mong muốn” là như thế nào.
Mình hiểu vấn đề của triết học, hay cả khoa học là khó có thể diễn giải bằng bằng ngôn ngữ đại chúng cho tất cả cũng hiểu. Đó cũng là điểm yếu của những nhà triết học, khoa học, khiến họ không được quan tâm như những KOL. Tuy nhiên, để hiểu cặn kẽ được các vấn đề trừu tượng và phức tạp cũng đòi hỏi người nghe phải có một kiến thức và trải nghiệm nhất định. Những yêu cầu này đòi hỏi người muốn tìm hiểu phải thực sự đầu tư thời gian, và công sức nhất định để nâng cao kiến thức, năng lực của bản thân. Đây mới nói đến hiểu, chưa nhắc đến thực hành ra sao.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đã khiến chánh niệm trở nên dễ tiếp cận hơn ở những nước Phương Tây và những quan điểm của ông cũng rất phổ biến tại Việt Nam. Ông phân biệt giữa “Chánh niệm” và “Chánh niệm sai – Tà niềm” và nhấn mạnh rằng chánh niệm là một lối sống chứ không phải là một công cụ, phương thức hay một phương tiện để đạt được mục đích.
Chánh niệm là gì?
Mình tự thấy bản thân mình không đủ sâu sắc và hiểu biết để những khái niệm tôn giáo, bởi phía sau đó có nhiều lý thuyết và giáo lý đồ sộ. Nhưng mình sẽ chia sẻ những điều mình hiểu, và mình thấy hợp lý ở thời điểm hiện tại, và mình nghĩ là quan trọng nên chúng ta cần biết.
Chánh niệm là một trong 8 yếu tố của Bát Chánh Đạo. Chánh niệm, trái ngược với Tà niệm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng Tà Niệm là nơi chánh niệm tách biệt với phần còn lại của Bát Chánh Đạo. Khi hiểu được điều này mình mới thấy thực sự thỏa đáng. Chỉ Mindfulness – Chánh niệm thôi là chưa đủ.
Bát Chánh Đạo
Bát thánh đạo là tám phương tiện đưa chúng sinh (con người) đến đời sống an lạc, giải thóat, tiến đến địa vị giác ngộ. Những bậc Hiền, Thánh nương theo tám phương tiện này để đi đến Niết bàn, Phật quả. Đối với đời sống trần tục, nói một cách dễ, Bát chánh đạo là con đường chân chánh có tám chi, giúp chúng sinh hướng đến một đời sống cao thượng, hạnh phúc. Chánh có nghĩa là chân chánh (chân chính), đúng đắn.
Bát Chánh Đạo bao gồm:
Right Mindfulness: Chánh niệm.
Người ta thường nói Chánh niệm là tập trung vào hiện tại. Mình nghĩ đây là giải thích đúng, dễ hiểu nhưng chưa đủ. “Niệm” tức là ghi nhớ, suy nghĩ, nhớ đến. Chánh niệm là nhớ đúng và để ý đúng. Chánh niệm được chia thành hai yếu tố gồm chánh ức niệm và chánh quán niệm. “Chánh ức niệm” là những suy nghĩ về quá khứ, chuyện đã từng xảy ra, nhớ đến ân của người khác để trả, nhớ đến lỗi lầm để sám hối, không còn để mắc vào tội đó nữa. Còn “Chánh quán niệm” lại là những suy nghĩ, ý niệm liên quan đến hiện tại, bắt đầu tương lai.
Right Concentration: Chánh định
Điều này muốn nói sự tập trung tư tưởng vào chân lý, những vấn đề đúng đắn, chính nghĩa, có lợi có mình cũng có lợi cho người khác
Right Insight: Chánh Kiến
Chánh kiến không chỉ là “biết” mà đòi hỏi ta phải “hiểu” đến tường tận, nhìn rõ được bản chất của sự vật, sự việc.
Right Thinking: Chánh tư duy
Điều này nghĩa là suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, thuận theo lẽ phải, có lợi cho cả mình và mọi người.
Right Speech: Chánh Ngữ
Điều này khuyến khích con người lời nói chân thật, ngay thẳng, đúng đắn.
Right Action: Chánh Nghiệp
Đây là những hành động sáng suốt, đúng đắn, chân chánh. Điều này có nghĩa là chúng ta nên làm điều thiện, giúp đỡ mọi người, tôn trọng sự sống của mọi chúng sinh, hành động của ta phải giữ hạnh lành, không được làm ác.
Right Livelihood: Chánh mạng
Điều này nhắc đến những công việc kiếm sống lương thiện, chính đáng, không mê tín, không bóc lột, trục lợi, xâm hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích của người khác. Chánh mạng khuyến khích những nghề sống bằng tài năng của chính mình, sống thanh cao và trong sạch
Right Diligence: Chánh Tinh tấn
Ý nói đến sự siêng năng, chú tâm, cần cù.
Bạn có thể tìm hiểu về Bát Chánh Đạo qua bài giảng của Thiền sư Thích Nhât hạnh tại đây.
Ngày nay khi nói về chánh niệm, người ta thường nói đến sự tập trung nhưng chỉ học cách tập trung hơn là một hình thức chánh niệm rất hời hợt. Nhưng tại sao tất cả mọi người đều nói đến Chánh niệm mà không nói đến 7 yếu tố còn lại? Vì Chánh niệm dễ hiểu, vì sách Chánh niệm dễ đọc hơn sách khác, hay vì khái niệm này dễ dẫn người ra vào cái bẫy của sự “dễ chịu”, dễ biến tướng và dễ mang lại lợi nhuận kinh doanh?
If you consider mindfulness as a means of having a lot of money, then you have not touched its true purpose. It may look like the practice of mindfulness but inside there’s no peace, no joy, no happiness produced. It’s just an imitation. If you don’t feel the energy of brotherhood, of sisterhood, radiating from your work, that is not mindfulness.
Nếu bạn coi chánh niệm là phương tiện để có nhiều tiền thì bạn chưa chạm tới mục đích thực sự của nó. Nó có thể trông giống như sự thực hành chánh niệm nhưng bên trong không có sự bình yên, không có niềm vui, không có hạnh phúc nào được tạo ra. Nó chỉ là một sự bắt chước. Nếu bạn không cảm nhận được năng lượng của tình yêu tỏa ra từ công việc của mình thì đó không phải là chánh niệm.
Thich Nhat Hanh
Thế nào là thực sự chữa lành, thực hành hành niệm
Chánh niệm không giống như việc đến phòng tập thể dục, nơi chúng ta có thể tự mình đến và thực hiện các động tác với tai nghe rồi về nhà, ăn tối và đi ngủ. Chữa lành không phải bát mỳ ăn liền ăn một cái là no, đọc xong một cuốn sách là khỏi, nói chuyện với 1 người xong là lành hết. Quay lại với bản tính tự nhiên thích tím lối tắt của mỗi chúng ta, chẳng ai muốn đối mặt với sự không thoải mái, nhưng chúng ta không thể thực sự tận hưởng hạnh phúc lâu dài mà không nhìn vào nỗi đau khổ của mình. Chẳng có nơi nào chỉ toàn hạnh phúc. Chúng ta không thể yên ổn nếu như những vấn đề, những nỗi đau vẫn nằm sâu thẳm trong tâm hồn. Giống như để lấy một cục đá dưới lớp đất sâu, chúng ta phải đào xời lên, đau đớn và vất vả. Những cái gợn trong lòng chúng ta cũng vậy. Để nhổ tận gốc chúng phải được đào xới lên. Vấn đề sẽ luôn ở đó nếu bạn không hành động và xử lý chúng. Chính nhờ ôm lấy nỗi đau mà chúng ta tìm thấy sự giải thoát. Nhờ dũng cảm đối mặt chúng ta chữa lành cho chính mình. Trốn tránh không phải cách giải quyết vấn đề.
Mình nghĩ, để thực hành chánh niệm một cách đúng đắn, chúng ta nên không chỉ tập trung vào chánh niệm mà còn cần thực hành 7 yếu tố còn lại: chánh định, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, Trong cuốn sách McMindfulness, tác giả Purser kêu gọi sự quay trở lại với bản chất gốc của chánh niệm, không chỉ như một phương pháp thiền định, mà còn như một phần của hành trình tâm linh và sự tự nhận thức. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân, cũng như nhận thức về những vấn đề xã hội và tinh thần lớn lao hơn, nó đòi hỏi sự dấn thân, đầu tư thời gian, công sức, nâng cao trí tuệ và hiểu biết.
Kết luận
Mình viết bài này hi vọng là chúng ta có thể tỉnh táo trước những trào lưu và những quảng cáo hấp dẫn và đặt câu hỏi cho những thông tin mình tiếp nhận (ngay cả bài viết này). Hoặc nếu bạn cũng đang nghi ngờ nhân sinh như mình thì bạn sẽ thấy một người cũng nghĩ như bạn. Với mình, tâm linh là điều gì đó còn mơ hồ và trừu tượng. Mình chọn cách tìm hiểu những vấn đề cốt lõi. Có thể những điều mình viết ngày hôm nay không thực sự đúng. Có thể ngày mai mình sẽ nghĩ khác, nhưng mình nghĩ đó sẽ chỉ là hiểu sâu hơn, hiểu kỹ hơn. Mình luôn nghi ngờ những điều mình đọc, mình nghe hằng ngày và dùng chính hiểu biết và trải nghiệm cá nhân của mình để xác nhận lại phải trái đúng sai.
Những tổn thương cũng được chữa lành như vậy. (Đây là cách của mình chứ không phải cách chữa lành đúng đắn nhé). Mình nghĩ khó khăn, khổ đau là một phần của cuộc sống. Chúng ta chẳng thể ngồi yên và mong cầu bình yên. Mình coi chữa lành là một phần của quá trình trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Chẳng ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn, cũng chẳng ai ngoài bạn có thể giải quyết được những vấn đề bạn đang gắp phải. Chúng ta phải đứng dậy và đi. Nhưng một khi đã bước đi trên một con đường nào hãy dấn thân đến cùng, đừng hời hợt. Việc hời hợt sẽ không những không mang lại kết quả xứng đang mà bạn còn đang tiêu hao thời gian, tiền bạc.
Còn một số trào lưu mình khác mà mình cũng thấy bắt đầu có sự lệch lạc, không đúng đắn lắm mình sẽ viết khi nào sẵn sàng. Những bài viết về chủ ddefe tâm linh mình đã viết.
- Bàn về Tâm linh (Phần 1): Tarot, Thần số học – Bạn có muốn biết trước tương lai?
- Bàn về Tâm linh (Phần 2): Cách mình tự học Tarot và những điều mình đã học được
- Giá sách của mình (một số cuốn sách tâm linh mình đọc trong này)
- What is McMindfulness and how to avoid it?
- McMindfulness: How Mindfulness Became the New Capitalist Spirituality của tác giả Ron Purser
Cám ơn bạn đã đọc đến đây, bài viết này hơn 3300 từ. Nếu bạn quan tâm chúng ta sẽ cùng bàn luận ở comment bên dưới. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
2 Comments