NỘI DUNG BÀI VIẾT
Mình có một thói quen là hay lên Google Maps lần mò những địa điểm, những thị trấn xung quanh để có thể thực hiện một chuyến day trip. Rồi một ngày mình tìm thấy Newstead Abbey, một địa điểm khá xa lạ, mà chưa bao giờ mình thấy một bài báo, travel blogger hay ngay cả cuốn sách Cẩm nang du lịch nước Anh nặng 1 kg của mình nhắc tới. Mình tới Newstead Abbey vào mùa hè năm 2023, nhưng cảm giác vẫn chưa khám phá đủ nơi này, nên mình quyết định quay lại vào mùa xuân. Cũng nhân dịp mình có Student Art Pass, nên được miễn phí vào giảm giá vé rất nhiều các dinh thự và triển lãm nghệ thuật.
Trời đã vào xuân, hoa đòa đã nợ rộ trên phố nhưng trời vẫn rất lạnh, âm u và ẩm ướt. Mình tự hỏi liệu còn có trận bão tuyết dày nào như năm ngoái để còn có thể cất những chiếc áo phao vào trong tủ. Những tháng mùa đông, những lâu đài, điền trang, dinh thự tại vùng quê nước Anh sẽ đóng cửa, đợi đến xuân sang họ mời chào đón du khách, Mình cũng them được đi đâu đó, bởi mình đã làm việc xuyên cả mùa giáng sinh và năm mới. Và mình quay lại Newstead Abbey.
Newstead Abbey nằm cách trung tâm thành phố Nottingham hơn 30 phút đi xe bus từ Victoria Bus station tới Newstead Abbey Gate, nhưng đoạn từ Newstead Abbey Gate vào đến khuôn viên Abey đi bộ khoảng 30 phút nữa. Xe bus đi qua khu Sheerwood Forest, khu rừng gắn liền với truyền thuyết về Robinhood. Hồi tháng 5, mình đi cùng Quỳnh Anh đi tàu, đi một con đường khác, không mất vé vào cổng, còn đi từ Gate sẽ mất 2 đồng. Trên đường vào, có khá nhiều nhứng lối đi vào khu nhà riêng mà chúng mình gọi là những người giàu ngầm.
Trời mưa nhẹ. Chúng mình đi theo con đường mòn trong rừng còn ướt đẫm sau những cơn mưa đầu xuân. Sáng chưa kịp ăn gì, mới chỉ kịp uống một cốc cà phê đá. Hai chị em vào coffee Shop cạnh Abbey để ăn nhẹ và những câu chuyện “đau đầu” của du học sinh.
Lịch sử của Newstead Abbey
Newstead Abbey được thành lập vào năm 1170 bởi Henry II của Anh như một nhà dòng cho các tu sĩ Augustine. Nơi đây ban đầu được thiết kế và xây dựng như một tu viện. Khi Vua Henry VIII tiến hành giải tán các tu viện do những thay đổi về tôn giáo vào thế kỷ 16, Newstead Abbey được chuyển đổi thành một tài sản cá nhân, được trao cho Sir John Byron. Hậu duệ của gia đình Sir John Byron là nhà thơ Lord Byron, một trong những nhà thơ lãng mạn nổi tiếng nhất của Anh.
Newstead Abbey không quá hoành tráng. Với mình nơi này nhỏ xinh nằm giữa một rừng cây và bên hồ nước lớn. Có một gia trang lớn (private) đối diện Abbey nằm phía bên kia hồ. Kiến trúc gốc của Newstead Abbey thể hiện phong cách của thời kỳ Trung Cổ, với những hình thức kiến trúc Gothic truyền thống như cửa sổ cung vòm và trần cao. Được chuyển giao và mua lại qua tay nhiều gia đình, kiến trúc Newstead Abbey có sự kết hợp các phong cách khác nhau.
Dưới quyền sở hữu của gia đình Byron, đặc biệt là khi nơi đây thuộc về nhà thơ nổi tiếng Lord Byron, Newstead Abbey đã trải qua nhiều thay đổi kiến trúc. Các phần của tu viện cũ được cải tạo để phù hợp hơn với nhu cầu của một tư gia, nhưng vẫn giữ được một số yếu tố Gothic rung cổ, với đặc trưng là các cung điện cao, mái vòm và cửa sổ với kính màu.. Lord Byron, mặc dù yêu quý lâu đài, nhưng không có đủ tài chính để duy trì hoặc phục hồi nó một cách hoàn chỉnh.
Khi Byron bán Newstead Abbey, các chủ sở hữu sau này, bao gồm Thomas Wildman và William Frederick Webb, đã tiếp tục cải tạo và phục hồi nó. Trong thời kỳ này, nhiều phần của lâu đài được xây dựng lại hoặc cải tạo, thêm vào những yếu tố kiến trúc của thời Victorian với thảm nhung đỏ, và đồ nội thất được chạm trổ cầu kỳ.
Dù đã được chuyển đổi, nó vẫn giữ lại nhiều yếu tố của một tu viện truyền thống, bao gồm các phòng nguyện vẫn tổ chức lễ cầu nguyện vào cuối tuần, sảnh lớn và các hành lang dài. Sự đa dạng này làm cho Newstead Abbey trở thành một ví dụ điển hình về sự phát triển kiến trúc Anh qua các kỷ nguyên.
Nhà thơ Lord Byron
Lord Byron trở thành chủ nhân của Newstead Abbey sau khi ông học xong ở Harrow và Cambridge. Ông thừa hưởng tài sản này vào năm 1798 khi mới 10 tuổi, sau cái chết của chú ông, William Byron, người đàn ông thứ năm giữ danh hiệu Baron Byron. Tuy nhiên, Byron không chính thức chuyển đến sống tại Newstead Abbey cho đến năm 1808, sau khi ông hoàn thành việc học tại Đại học Cambridge.
Trong thời gian sống tại Newstead, Byron được biết đến với lối sống lập dị và các bữa tiệc xa hoa, thích bắn súng. Ông thậm chí còn nuôi một gấu trong khuôn viên của tòa nhà. Mặc dù Byron yêu mến Newstead và thường xuyên lấy nó làm cảm hứng trong thơ của mình, ông buộc phải bán nó vào năm 1818 do tình hình tài chính khó khăn và sau khi quyết định rời Anh để sống ở nước ngoài. Byron tiếp tục cuộc sống phiêu lưu của mình, tham gia vào các cuộc chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp và cuối cùng qua đời ở độ tuổi 36 vào năm 1824 tại Hy Lạp, để lại di sản văn học và tinh thần tự do được ngưỡng mộ rộng rãi.
Tập thơ của Byron rất dài, khi nào có dịp mình sẽ đọc thử xem.
“She walks in beauty, like the night
Of cloudless climes and starry skies;
And all that’s best of dark and bright
Meet in her aspect and her eyes;
Thus mellowed to that tender light
Which heaven to gaudy day denies.
…”
She Walk in Beauty _ George Gordon Byron
Cuộc đời của Ada Lovelace
Ada Lovelace có lẽ là nhân vật vô cùng quen thuộc nếu như bạn học Computer Science. Ada Lovelace người được coi là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới. Khi tìm đi dạo quanh những căn phòng trong Newstead Abbey, đọc về lịch sử, cuộc sống gia đình của Lord Byron, mình thấy một điều thú vị, có lẽ là sự liên kết giữa mình với nơi này, đó là Ada Lovelace là con gái của Lord Byron và Anne Isabella Milbanke. Người ta cho rằng, Ada cũng có một thời gian sống ở Newstead Abbey.
Ada Lovelace sinh ngày ngày 10 tháng 12 năm 1815, và khi sinh ra bà có tên là Augusta Ada Byron. Sau khi kết hôn với William King, bà trở thành Augusta Ada King. Sau khi chồng được phong là Earl of Lovelace, bà thường được biết đến nhiều nhất với tên Ada Lovelace.
Ada Lovelace có cha là một nhà thơ lãng mạn còn mẹ của bà, Lady Byron, cũng xuất thân dòng dõi quý tộc, có niềm đam mê khoa học. Niềm đam mê khoa học của Lady Byron đã có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục và sự phát triển trí tuệ của Ada Lovelace. Lady Byron coi trọng giáo dục và khuyến khích cô theo đuổi các lĩnh vực học thuật, đặc biệt là toán học và khoa học, một điều khá hiếm thấy ở phụ nữ thời đó. Bà cố ý định hướng cho Ada tránh xa khỏi thi ca để tránh nguy cơ “điên loạn” mà bà ấy tin rằng đã ảnh hưởng đến Lord Byron.
Công trình nổi tiếng nhất của Ada Lovelace là khi bà làm việc với Charles Babbage, người được biết đến với tư cách là “ông tổ của máy tính”. Babbage đã phát triển ý tưởng về một máy tính cơ học gọi là “Analytical Engine”. Ada Lovelace đã dịch một bài báo của Luigi Federico Menabrea về máy tính và thêm vào đó những phân tích rất sâu sắc của chính mình. Không chỉ giải thích về máy tính hiện có, bà là người đầu tiên nhận ra rằng chiếc máy tính này có những ứng dụng ngoài tính toán thuần túy, tiên đoán khả năng của máy tính trong tương lai. Bà đã mô tả một phương pháp để máy tính có thể lặp lại một chuỗi các phép tính, điều này được coi là một trong những ví dụ đầu tiên của lập trình máy tính.
Ada Lovelace đã qua đời ở tuổi 36 vào năm 1852, nhưng di sản của bà vẫn còn mãi. Bà đã để lại ấn tượng sâu sắc với tư duy tiên tiến của mình và được coi là một biểu tượng quan trọng trong lịch sử khoa học máy tính.
Câu chuyện về Ada khiến mình suy nghĩ về nền tảng giáo dục từ gia đình. Bà có một bệ phóng tốt. Bạn mình bảo, thì thời người ta còn chả đủ ăn thì ai lại ngồi làm thơ, và đọc những điều xa xôi. Nhưng mình cũng suy nghĩ về những lựa chọn, đặc biệt ở Lady Baron. Nếu như Lady Baron cũng như bao quý bà khác ở nước Anh thế kỷ 18, 19, khi mà giáo dục cho phụ nữ thường bị giới hạn trong các kỹ năng như đọc, viết, tính toán cơ bản, và các “nghệ thuật gia đình” như may vá và nấu nướng. Phụ nữ thời ấy thường không được khuyến khích hoặc không có cơ hội tiếp cận giáo dục cao hơn hoặc sự nghiệp chuyên nghiệp, nếu như bà không yêu khoa học và toán học rồi định hướng giáo dục đó cho Ada, và nếu như Ada không lựa chọn con đường như mẹ bà đã định hướng, liệu giờ đây người ta có nhắc về Ada Lovelace. Bởi vậy mà nền tảng gia đình quan trọng, nhưng lựa chọn của mỗi chúng ta trong từng giai đoạn cuộc đời sẽ quyết định chúng ta sẽ trở thành ai.
Dạo chơi ở Newstead Abbey
Sau khi tham quan khu vực nhà ở, chúng mình ra đến những khu vườn lớn. Trời bắt đầu nắng đẹp. Nhiều gia đình dẫn các em bé đi chơi cuối tuần, nô đùa trên những bãi cỏ lớn. Newstead Abbey có khu vườn rộng với nhiều phong cách khác nhau như Spanish Garden, Japanese Garden, French Garden. Các khu vườn và công viên được thiết kế tỉ mỉ với hồ nước, đài phun nước, và lối đi bộ thơ mộng, mang đến không gian hòa hợp với kiến trúc. Tuy nhiên, những khu vườn vẫn chưa kịp tỉnh giấc sau mùa đông dài và ẩm ướt sau những cơn mưa.
Quá bữa trưa, hai đứa đi bộ nhiều như tụt huyết áp về lại trung tâm ăn luôn bữa tối. Mình nhận ra một điều là trước đây, mình đến một nơi, rồi mới nghe, đọc lịch sử ở nơi đó, mình sẽ không hiểu nhiều rồi sẽ lại quên. Nhưng nếu như mình “học bài trước khi lên lớp” thì chuyến tham quan sẽ nắm được nhiều thông tin hơn rất nhiều, và mình còn thấy sự logic giữa kiến trúc và những thời kỳ lịch sử nữa. Vậy nên ở Newstead Abbey, mình hiểu bài hơn rất nhiều. Mình đang chuẩn bị cho một chuyến đi đầu tháng 4, sau khi kết thúc bài vở. Có lẽ thay vì chỉ nhìn cảnh đẹp, xem sẽ chụp ảnh những góc nào, mình cần học bài trước chuyến đi đó thật.
Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại UK diary
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- Flirk Album: https://www.flickr.com/photos/196746144@N05/albums/72177720315520179/