NỘI DUNG BÀI VIẾT
Mùa hè nước Anh vội vã trôi qua. Những tia nắng bắt đầu nhạt dần và thay bằng những cơn mưa phùn hối hả đến, hối hả đi, để lại một bầu trời xám nhạt. Cảm giác này giống với cuối thu ở Việt Nam hơn là tháng 7. Mình cũng vừa nhận được kết quả tổng kết năm đầu của PhD. Mới ngày nào còn ngồi apply học bổng, rồi bao chuyện xảy ra trước khi đi du học, vậy mà đã hết một năm. Hôm ngồi trên tram về nhà với cô bạn, hai đứa nhìn nhau bảo cũng khá buồn khi năm nhất đã kết thúc. Bởi vì những ngày là sinh viên năm nhất bình yên và vô lo vô nghĩ. Chúng mình được các thầy cô trong CDT bao bọc, được đi học, và nhiệm vụ duy nhất chỉ là học, lấy ý tưởng và hoàn thành đề cương nghiên cứu. Còn từ năm 2 trở đi, thì nghiên cứu thực sự mới bắt đầu.
Thực ra một năm qua, mọi chuyện xảy ra bất ngờ, không có bất cứ điều gì giống như mình đã tưởng tượng, ngoài việc mình thực sự thích những trải nghiệm đi học này. Mình là đứa đi thi chuyên lệch tủ, nên chuẩn bị gì cũng lệch hết. Đây là lần thứ 2 mình đi du học, và vẫn là đi Anh, nhưng mọi thứ xảy ra mới mẻ quá cũng khiến mình choáng ngợp. Bởi đi học Tiến sĩ khác với Thạc sĩ, bởi Nottingham khác với London, bởi mình sẽ chẳng còn là Chevening Scholar được lo từ A đến Z và có nhóm đi cùng nữa, hay bởi cuộc sống này thay đổi quá nhanh để dạy cho mình bài học về sự thích nghi. Năm nay mình có rất nhiều lần đầu tiên. Trải nghiệm của mình cũng khác với tất cả những chia sẻ của các PhD khác mà mình từng biết.
Về chuyên học PhD
Niềm vui của việc học PhD
Có thể nói được đi học, và học những điều mới mỗi ngày là niềm vui lớn nhất của mình trong năm qua. Một năm qua mình không đi chơi nhiều như hồi học Master, mình cũng chẳng còn post ảnh thường xuyên trên Facebook nữa. Nhưng không phải vì thế mà cuộc sông ở Nottingham nhàm chán. Chỉ là mình thấy vui bởi những điều đơn giản mỗi ngày: đi học, đọc sách, gặp gỡ thầy cô, PhD Networking.
Ai cũng nói học PhD thật sự rất cô đơn và lẻ loi. Điều này đúng, bởi dường như có những chuyện bạn chẳng thể nói được với ai, và nói cũng chẳng ai hiểu. Có ai hiểu hết những lý thuyết và công thức trong nghiên cứu của bạn. Có ai hiểu được cuộc sống và những điều bạn trải qua hàng ngày bằng chính bản thân bạn. Việc người bạn thân nhất ở lớp ngừng học cũng giáng cho mình một sự hụt hẫng và lo lắng không hề nhẹ. Sự “cô đơn” này không chỉ xảy ra với một sinh viên quốc tế xa nhà, mà còn cả với sinh viên bản địa. Hôm chương trình mình tổng kết cuối năm. Chúng mình được hỏi ghi ra những vấn đề gặp phải và cần được hỗ trợ những gì ra giấy sticky note. Mình nhìn cậu bạn người Anh bên cạnh viết về mental health, loneliness, isolation. Mình tự đặt ra trong mình câu hỏi “Cậu là người Anh, gia đình cậu ở đây, cậu còn có bạn gái mà còn thấy vậy. Còn mình thì sao?”. Một người bạn cũng từng nói với mình rằng gia đình, bạn bè, người yêu chỉ giải quyết được về mặt tinh thần thôi, bởi sau tất cả, cái đau đầu nhất, khó khăn nhất là cái câu hỏi nghiên cứu vẫn là mình tự giải quyết, điều mà bạn sẽ chẳng thể tâm sự với ai.
Mất phương hướng hay được tự do?
Học PhD dạy cho mình về sự chủ động. Bởi chẳng có ai giao việc, chẳng có những bài kiểm tra hay những cái deadline định kỳ. Chúng mình có những deadline lớn hàng năm. Và thầy cô supervisors sẽ chẳng bao giờ “cầm tay chỉ việc” như ông sếp hay cằn nhằn ở công ty. Họ sẽ chỉ hỏi “Mình sẽ định làm gì?” và việc của mình là tự nghĩ ra việc để làm, trình bày và supervisors sẽ cho ý kiến. Thậm chí mỗi lần supervisors hỏi kế hoạch, mình phải đưa ra 3 phương án, để nhỡ thầy cô có phản đối phương án nào, còn có cái backup. Supervisors của mình rất hài lòng vì điều đó, nhưng để nhận được nụ cười và cái gật gù ấy, có lần mình mất ăn mất ngủ mất đi chơi.
Mình phải học cách tự tạo động lực cho chính mình. Đôi khi mình cũng nhớ hồi đi làm, được sếp giao việc cụ thể, “được” chạy theo một cái deadline rõ ngày rõ tháng, và có người bên cạnh giục để bạn hoàn thành trước cái deadline đó. Tự nhiên mình nhớ tiếng cằn nhằn của sếp cũ đến thế nào. Còn giờ đây, đôi khi mình chẳng biết mình cần làm gì. Lên được cái kế hoạch muốn làm, và việc tự cho mình động lực để thực hiện kế hoạch đó, giữ cho mình nhiệt huyết và kiên trì để đi đến cuối con đường cũng là cả vấn đề. Thầy mình nhắc mình rằng “Đừng cháy hết mình trong năm nhất để rồi lụi dần những năm sau. Hãy giữ lửa đều đặn suốt quá trình thì sẽ tốt hơn”. Đôi khi mình thấy bản thân mình “lười” đến nỗi, chỉ ước có ai đó cầm tay chỉ việc, ai đó làm để mình làm theo, nhưng bất khả. Mình buộc phải học cách đứng lên tự quyết định việc mình muốn làm, chủ động trên con đường mình muốn đi và học cách tự kỷ luật bản thân để tiến về phía trước. Cô giáo hướng dẫn của mình từng nói với mình khi mới nhập học “Chỉ khi em thực sự thích việc được học, được nghiên cứu, được tìm tòi em mới tận hưởng được quá trình làm PhD một cách vui vẻ”.
Sự đánh đổi
Nếu bạn thấy “chán đời” mà đi học PhD thì thực sự nên suy nghĩ kỹ nhé. Mình vẫn hay so sánh, việc đang đi làm, thậm chí đã lên đến vị trí senior mà quay lại đi học, nó cũng như là đang dùng iphone giờ quay lại dùng cục gạch vậy. Đôi khi mình cũng nhớ những ngày đi máy bay hạng thương gia, nghỉ dưỡng tại resort 5 sao lắm ấy, còn giờ thì vé tàu luôn đặt super-off-peak, nơi nghỉ thì luôn tìm cái phòng rẻ nhất trên Airbnb. Lúc về Việt Nam, thấy bạn bè mua nhà mua xe lên sếp, hay thậm chí bên này kém tuổi mình người ta cũng đã thành tựu đầy người rồi, còn mình bắt đầu lại từ đầu. Điều đó đôi khi cũng khiến mình chạnh lòng. Nhưng bạn hiểu “cục gạch” cũng đáp ứng đủ nhu cầu nghe gọi cơ bản. Và rồi mình biết rằng, điều gì khiến mình thực sự vui, mình thực sự cần điều gì trong cuộc sống đa chiều. Và khi tập trung vào bản thân mình rồi, mình sẽ hiểu giá trị của sự đánh đổi, và nhìn thẳng về phía trước con đường mình muốn đi, hướng về nơi trái tim mình muốn thuộc về.
Sự học “vòng vèo” của mình từ đại học đến PhD
Mình thấy trải nghiệm học PhD của mình rất khác với tất cả những gì mình từng đọc, từng nghe về viêc học PhD. Một phần cũng là do đặc thù của chương trình mình khác với những chương trình PhD truyền thống khác. Một phần cũng vì cái background “thập cẩm” của mình. Mình chắc chắn một điều rằng bạn không cần phải học một chuyên ngành từ đại học lên đến tiến sĩ. Như đã nói ở trên sự chủ động, cũng có áp lực nhưng nó cho mình một sự tự do khám phá. Điều mình thích nhất ở chương trình là mình có thể học tất cả những gì mình muốn học. Năm đầu tiên chúng mình được học để có thêm ý tưởng đưa vào đề cương nghiên cứu. Lần đầu tiên mình học về khoa học máy tính, học về những công nghệ mà mình nghĩ nó chỉ có ở trong phim viễn tưởng. Lần đầu tiên, mình ngồi trong lớp Kỹ thuật, ngồi nghe toàn về động cơ, máy móc (mình cũng hơi bất ngờ là lớp kỹ thuật nhiều con gái lắm). Mình cũng được nghe nhiều câu chuyện “rẽ ngành” ấn tượng. Học đại học Ngoại Thương, Thạc sĩ Hàng không rồi thì Tiến sĩ mình học gì, thì mình đã, đang và tiếp tục học 3 lĩnh vực mới tinh so với background của mình đó là Engineering (Human Factor), Data Science, và Policy. Hành trình mình càng đi càng thấy mình thay đổi.
Điều mình thấy hài lòng nhất về hướng nghiên cứu của mình đó là mình được nhìn vấn đề dưới góc nhìn đa chiều, và có một tư duy hệ thống, hiểu về những yêu tố ảnh hưởng qua lại với nhau ra sao để có thể đưa ra những giải pháp toàn diện. Việc đi mà không nhìn thấy kết quả, làm những điều không phải thế mạnh của bản thân nó cũng như trò “cảm giác mạnh”, hoang mang như thú vị.
Những trải nghiệm về giáo sư hướng dẫn
Một phần mình không lên Facebook vì trên đó hơi nhiều drama, trong đó có drama về giáo sư hướng dẫn. Còn với trải nghiệm của mình thì giáo viên hướng dẫn của mình như “bụt” vậy. Trong năm đầu, với việc hoàn thiện đề cương, chúng mình còn được chọn giáo viên hướng dẫn mà mình cho rằng sẽ phù hợp với mình. Mình nhớ hôm mình gặp giáo viên hướng dẫn thứ 3 của mình, cô ấy hỏi mình “Em có funding đúng không?”. Câu hỏi khiến mình đứng hình mất mấy giây. Mình đã từng trải qua 2 năm đi tìm funding học PhD, gặp giáo sư nào mình cũng thêm điều kiện thầy giúp em apply học bổng. Nhưng đến giờ, mình có thể tự tin trả lời “Vâng, em có funding”. Giờ mình đã khác trước rồi.
Mình có tất cả 3 giáo sư hướng dẫn, mỗi người có 1 chuyên môn khác nhau vì đề tài của mình liên quan đa lĩnh vực. Có thể nói thầy lead supervisor là người cho mình cảm giác yên tâm nhất mỗi lần nói chuyện. Tất nhiên là chuyện lo lắng về vấn đề nghiên cứu không nói được với bạn thì chỉ có thể nói với thầy. Thầy giống như một … “người cha” (một sự so sánh hơi khập khiễng), ngoài việc hướng dẫn một đứa có nền tảng kiến thức Engineering gần bằng 0, thì thầy còn kiêm luôn việc trấn an, an ủi những lúc học trò lo lắng, sợ hãi. Thầy luôn nhắc mình về việc có những niềm vui khác ngoài việc nghiên cứu. Khi mình đi thực tập, thầy không lo mấy rằng liệu mình có làm được gì đó hay không, thầy quan tâm hơn là “liệu có ai take care mình ở một môi trường xa lạ hay không?”.
Cô giáo hướng dẫn thứ 2, một người có vị trí cao, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực, một người dẫn đường xuất sắc và luôn xuất hiện với nụ cười tươi. Cô từng đứng trước lớp mình và dặn mọi người trong lớp rằng “Violet nói rằng khóa này rất thân thiện và giúp đỡ cô ấy, điều đó khiến tôi rất hài lòng” như một lời nhắc nhở các bạn hãy đối xử tốt với học trò của cô. Khi mình chuẩn bị chuyển sang research group từ năm 2, điều đầu tiên cô lo cho mình là mong mình không bị cô đơn trong môi trường mới, và trấn an mình “dù thế nào em vẫn có các bạn ở CDT”. Đến khi mình đi thực tập, mỗi lần họp, cô đều khen mình hết lời trước mặt sếp của mình và sắp xếp mọi người hỗ trợ mình (dù mình thấy thực sự là mình cũng chưa làm được gì dù đã đi thực tập 3 tháng).
Cô giáo thứ 3 là người cuối cùng mình quen, thân thiện như một người bạn. Cô hiểu những áp lực mình gặp phải, luôn nói với mình rằng “em có một nghiên cứu xuất sắc và chính cô cũng thấy hào hứng khi đồng hành cùng dự án này”. Mỗi buổi họp với cô, không ở văn phòng mà hai cô trò thường tìm cái góc chill nhất trên quán cà phê rooftop của 1 toàn nhà trong campus ngồi.
Mình cũng quen với sự nghiêm khắc từ nhỏ, bố mẹ, thầy cô, đến cô giáo hướng dẫn đầu tiên khi mình làm nghiên cứu ở đại học, đến các sếp khi đi làm đều rất nghiêm khắc. Mình luôn trong trạng thái “nghe mắng nhiều thành quen”, nghe phàn nàn, được chỉ ra những lỗi lầm để sửa chữa. Vậy mà bây giờ thầy cô nào cũng vui tươi, khen ngợi, mình cũng … lo lắng. Mình từng nói với thầy mình rằng “Em là người Việt Nam, lớn lên trong gian khó, nghe mắng quen rồi nên có gì không hài lòng thầy cứ nói với em”. Thầy chỉ bảo “Em làm rất tốt. Thầy làm việc với Giáo sư S (cô giáo hướng dẫn số 2 của mình) nhiều năm, chưa bao giờ thấy bà ấy vui và hài lòng như thế. Nếu không tin thầy thì hãy đọc những lời nhận xét đề cương của người đánh giá khác”. Mình cũng từng bày tỏ lo lắng này với một người bạn khóa trên, rằng có phải người Anh lịch sự không bao giờ phàn nàn không. Cậu bạn tròn mắt nhìn mình bảo “Mày biết tao phải nghỉ nửa năm vì mental health không? Tao từng nhận tất cả những lời chỉ trích và phàn nàn dưới mọi hình thức. Khi tao nộp draft thì bị cái nhận xét là viết không bằng đứa undergrad. Thế nên là hãy tận hưởng những lời khen khi còn có thể”.
Mình không có bất cứ điều gì phải phàn nàn giáo sư hướng dẫn của mình. Họ làm tốt việc của họ và còn làm nhiều hơn mình kỳ vọng. Họ khiến mình tin vào bản thân, cho mình những mục tiêu cao để chinh phục. Có lần mình nhắm đến một hội thảo ở Hawaii, gửi thầy thông tin nhờ hỗ trợ để đi. Thầy đáp lại một email lạnh ngắt “Tôi nghĩ còn nhiều hội thảo chất lượng hơn mà em có thể tham gia” rồi gửi cho mình danh sách những hội thảo và tạp chí đầu ngành để mình chuẩn bị cho năm tới. (Nhưng thầy ơi, em muốn đi Hawaii mà) Và thế là mình lại về cày tiếp, chào Hawaii tại đây.
Đi làm, đi thực tập
Thực tập ở cơ quan chính phủ
Ngoài giáo sư hướng dẫn thì mình còn có Industry partner đồng hành cùng dự án nghiên cứu PhD của mình. Nhờ đó, mình có cơ hội được thực tập tại cơ quan chính phủ của Anh – Bộ Giao Thông Vận Tải UK. Đây là điều khá “Khó tin” với mình. Và có vẻ như số mình hay liên quan đến nhà nước, khi bố mẹ mình đều làm công ty nhà nước, mình cũng làm công ty nhà nước, đi du học bằng học bổng chính phủ và khi đã sang UK vẫn làm nhà nước. Mình mất 1 tháng để vượt qua security check, đặc biệt là khi 3 năm gần đất nhất phần lớn thời gian mình ở Việt Nam. Và rồi cuối cùng mình cũng chính thức được ghi tên trên hệ thống, lấy thẻ ra vào, và nhận starter kit, chính thức đi làm.
Starter kit được gửi về tận nhà nhưng do không tìm được nhà mình nên họ chuyển về kho và mình đến kho lấy. Mình nhớ hôm đến kho, mình bị lạc đường vì khu đó nhiều kho hàng của nhiều công ty vận chuyển quá. Mình đến đúng nơi khi đã quá 5h. Thấy anh bảo vệ vẫn ngồi trong nhà phía sau cánh cửa đã đóng. Mình vặn cửa, kéo mạnh một phát. Anh bảo vệ ngồi trong sững sờ, khi thấy mình vừa bẻ gẫy khóa cửa. Cuối cùng mình cũng vào được trong quầy lễ tân, đọc tên và nhận đồ. Dù đã biết starter kit có máy tính nhưng mình những tưởng mình sẽ có một cái túi Tote in biểu tượng Sư tử và Ngựa sừng (giống Chevening), và mấy món đồ xinh xinh như bút và sổ. Đến khi anh bảo vệ đưa cho mình … một cái thùng, trong có chiếc máy tính HP Dragonfly đời mới nhất đã gắn sim để kết nối internet, một chiếc balo chống nước, 1 chiếc headphone Sony không dây, rất nhiều dây kết nối chuyển đổi, và một vài tài liệu hướng dẫn, mình hơi bất ngờ và lo không biết vác cái thùng này về thế nào khi mình không đi ô tô. Mình bê cái thùng về, trời mưa, và cũng không quên xin lỗi anh bảo vệ vì chuyện cái khỏa cửa.
Đây là lần đầu tiên mình đi làm ở Anh, ở một nơi không thể British hơn. Hồi học ở London, mình đã từng mơ một ngày sẽ đi làm ở London, và giờ ngày ấy đến thật. Khu mình làm ở Westminster, gần Big Ben, nơi phần lớn những tòa nhà văn phòng của các cơ quan Bộ ngành, Chính phủ Anh tọa lạc. Ngày đầu tiên đi làm, chào đón mình ở cửa văn phòng là một đoàn biểu tình. Mình gọi cho Sếp xuống đón vì chưa có thẻ ra vào. Sếp cũng lo mình đi lạc.
Văn phòng là kiểu Open Office, người ta cần đặt chỗ trước khi đến. Mọi người làm việc xen kẽ online và offline. Mỗi người đều có laptop riêng nhưng văn phòng có màn hình lớn và bàn phím để nhìn rõ hơn trong công việc. Mình thực tập ở Team Data Science, trong một bộ phận lớn gồm những người làm công việc phân tích. Một ấn tượng khác là team có cái phòng họp kéo rèm phong cách … giống quầy bar và đèn hơi mờ. Ở văn phòng mình thấy ai cũng làm việc rất nghiêm túc. Không ai cầm điện thoại bấm trong giờ. Có lẽ một phần là họ dùng điện thoại của cơ quan, mà điện thoại chính thủ thì không được cài tiktok nên cũng chẳng có gì để xem trong giờ. Có một điều rất khác đối với đời sống công sở mà mình từng quen khi ở Việt Nam là không có ai tám chuyện cả. Sẽ không có những câu chuyện chị chị em em kiểu “Nay váy đẹp thế? Chuyện chồng con, chuyện gia đình… Họ chỉ hỏi nhau những câu rất ngắn gọn “How are you?”. Sáng ra mọi người đến rải rác từ 8 đến 9h, giờ ăn trưa cũng linh hoạt, tùy nhu cầu, ai ăn lúc nào cũng được, và họ ra về từ khoảng 16 đến 18h. Giờ thì mình hiểu tại sao tube ở London từ 4h chiều là tính là giờ cao điểm, ở Việt Nam thì 5h chiều mới cao điểm mà. Thời gian làm việc cũng rất rõ ràng, không email gọi điện ngoài giờ. Mọi người nghỉ phép cũng nhiều. Mình còn học được cách sử dụng office để quản lý công việc, lên lịch họp, thấy đi làm rất hay.
Về công việc, mình thấy khá là phức tạp. Ai cũng nói về mô hình, trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ, hình ảnh, báo cáo toàn công thức lằng nhằng lắm. Và mình thấy thích cái cách mà ai ai cũng cố gắng làm một điều gì đó …tốt hơn trước, chia sẻ thông tin, và học cái mới. Đó là một nơi mà bạn sẽ không thể sống sót nếu chỉ có …”kỹ năng mềm”, bạn cần biết rất nhiều chuyên môn sâu như toán cao cấp, và biết dùng code nữa. Thế nên mình mới thấy bản thân mình khá là … vô dụng dù cô giáo hướng dẫn của mình, người cũng làm trong Bộ, hi vọng rất nhiều rằng mình có thể làm được điều gì đó có ích. Nhưng đôi khi mình cũng thấy hoang mang bởi mình không biết mình đang ở đó làm gì, và mình không thấy mình thực sự thuộc về. Thời gian cứ trôi, và mình nhận ra cơ hội quý giá như vậy nhưng mình không thể làm được gì với sự may mắn ấy.
Đi trợ giảng
Mình học ở khoa Computer Science, với cái background này thì mình không thể đứng lớp dạy môn gì được. Nhưng do một “sự nhầm lẫn” đầu kỳ 2 mà mình đi trợ giảng. Hôm ấy thầy phụ trách sắp xếp trợ giảng trong khoa, gửi form cho các sinh viên PhD về nhu cầu trợ giảng. Thường thì sinh viên PhD năm nhất không ai điền form này cả, nhưng mình điền, dù cái gì cũng điền là “trình độ người mới học”. Kết quả là mình được sắp xếp trợ giảng thật. Mình đã email lại với thầy phụ trách là, em không biết gì đâu, thầy cho em rút, nhưng chẳng hiểu sao nói mãi thầy không đồng ý. Thầy nói là “Thiếu kinh nghiệm không phải vấn đề lớn vì ai cũng từng là người mới cả. Việc hướng dẫn cho trợ giảng là việc của giáo viên đứng lớp. Mà môn foundation of data visualization thì khá là chill, chỉ vẽ vời thôi mà”. Vậy là cuối cùng, mình xin giáo viên đứng lớp cho học luôn để làm quen.
Thực ra, đến lúc nhìn chương trình học, mình cũng thấy yên tâm, vì kiến thức trong môn này mình đã đều tự học cả rồi. Các giáo trình phải đọc mình cũng đã đọc và thực hành Code trước đó, nên mình cũng đỡ hoãng hốt như lúc đầu. Vì mình không sắp xếp được thời gian hỗ trợ lab nên mình hỗ trợ coi thi và chấm bài. Phần đề bài thi cũng khiến mình thay đổi góc nhìn về việc học. Bài thi không phải là code mà nó thiên về “nghệ thuật” nhiều hơn. Sinh viên cần phải biết cách nhìn thế nào là visualization tốt, nhìn ra điểm chưa tốt cả cải thiện, và biết cách trình bày ý tưởng của mình khi có một đề bài và data sẵn có. Khi ấy mình nhận ra, điều quan trọng của việc học data visualization không phải là biết gõ những dòng code khô khan mà biết thế là đẹp, thế nào là xấu. Môn học đề cao tư duy hơn là dạy cho học sinh những cái có thể dễ dàng thấy trên mạng. Mình họp với giáo viên đứng lớp một vài buổi, và chấm bài khi mình đang ở Việt Nam. Chấm thi cũng cho mình những kỷ niệm khó quên. Nhất là lúc mở bài thi thấy sinh viên trình bày bài như tờ nháp.
Ngoài môn này, mình còn hỗ trợ coi thi. Một việc nhẹ nhàng, không cần kỹ năng chỉ cần đi đi lại lại. Mình nhớ hôm đến phòng thi là một cái phòng lab máy tính. Thấy một cậu bạn đứng chỗ bàn giáo viên nên tiến lại hỏi “Đây là phòng thi đúng không?”. Cậu ta nói “Yes” rồi nói mình ngồi vào chỗ. Cái khoảnh khắc mở cái đề thi ra, mình không hiểu gì luôn. Nó khiến mình nhớ lại cảm giác của cơn ác mộng mình gặp hàng đêm “Ngồi trong phòng thi và không làm được bài”. Sinh viên nhìn chung là rất tự giác, không ai làm gì mờ ám cả. Vậy nên, mình chỉ đi đi lại lại, nhắc thí sinh ghi đủ thông tin.
Số tiền lương cũng khá ấn tượng. Thỉnh thoảng mình cũng đi “bán data”, nghĩa là đi làm survey, làm thí nghiệm sẽ được trả công bằng tiền hoặc voucher Amazon. Cảm giác đi thực tập, đi làm những công việc chưa làm bao giờ và kiếm được tiền khiến mình thấy vui, và háo hứng như ngày đầu tiên vào lớp 1, như những ngày chập chững là một “chuyên viên mới” tha hồ học, tha hồ khám phá và được thoải mái “ngu ngơ”.
Tìm việc
Trong năm mình cũng apply vào khá nhiều chương trình fellowship và parttime job khác để lấy thêm kinh nghiệm và cho bản thân mình active hơn, gặp gỡ nhiều người hơn. Nhưng mới đầu khá buồn là mình toàn trượt. Khi ấy, mình đã tự nhìn lại bản thân và nhắn nhủ mình rằng “Từ giờ thì những cuộc cạnh tranh mình phải tham gia không còn là giành học bổng nữa, mà là mình phải cạnh tranh với những người đã vượt qua cái cửa ải học bổng đó để tiến tới một level tiếp theo, khẳng định mình trong môi trường academia”. Mình còn định đăng ký career mentor service của trường để sửa CV và cover letter.
Nhưng rồi mình lại được nhắc nhở thêm một lần nữa rằng “điều gì dành cho mình, thực sự phù hợp với mình sẽ thuộc về mình, chỉ cần mình tin vào sự sắp đặt của vũ trụ”. Khi chẳng còn kết quả nào phải chờ đợi nữa, vì mình đã trượt hết rồi thì một cơ hội khác đến, khi mình chưa hề tự tin. Mình cũng gửi CV và note mấy dòng giới thiệu bản thân vào email cho thầy. Hôm đang ngồi ở văn phòng thực tập, mình nhận được email được vào phỏng vấn, mình cười ngoạc cả mồm.
Hôm phỏng vấn, mình đang ở nhà bạn ở London 1 tuần. Phỏng vấn online, thầy tóm tắt trước nội dung sẽ trao đổi, cách xử lý dữ liệu ngôn ngữ và nội dung về giảng dạy data science. Trước hôm phỏng vấn, mình ngồi học bài 2 ngày liền, học xổi bao thứ mà chả trúng câu nào 🙁 Suốt ngày đi thi lệch tủ. Phần về kinh nghiệm giảng dạy, lẽ ra có mấy câu khác nhau, nhưng mình trả lời một mạch đã hết nội dung thầy cần hỏi. Khi được hỏi “you có kinh nghiệm giảng dạy không?”. Mình trả lời “em không có kinh nghiệm, cũng không phải chuyên gia, tất cả những gì em biết chỉ là em tự học thôi. Em nghĩ một người học giỏi, có nền tảng từ đầu thì bạn ấy không hiểu cảm giác của một học sinh ngồi trong lớp không hiểu gì và cảm giác của một người tay ngang học dữ liệu đâu. Còn em thì hiểu và em biết cách để đi từ số 0, và vượt qua sự chán nản…” Đến phần “Còn có câu hỏi gì không”, mình hỏi lại “thực ra câu 1 em nghĩ gì nói nấy thôi, em không tự tin và em mới chỉ thấy cái gần giống thế thôi, chứ em chưa làm bao giờ, nhưng em có mấy tháng để học trước khi bắt đầu đúng không?”. Sau khi nghe thầy nói ” Đừng lo lắng thế. Em trả lời câu đó tốt mà. Tôi biết việc này rất khó, chúng ta có thể cùng nhau tìm tòi và khám phá. Tôi hi vọng em có thể học chúng rồi nói lại cho thầy. Tôi thích cách tư duy của em… Kết quả phỏng vấn sẽ được báo lại vào tối thứ 3 hoặc sáng thứ 4 tuần sau”. Phỏng vấn xong thấy tích cực quá, thì chiều mình phải đi Harrods mua ngay chai nước hoa mới cho bản thân. Thực ra là do tự nhiên được giảm giá mạnh chứ không thì cũng “bà vào chỉ ngửi chứ bà không mua”.
Đến thứ 3, đợi mãi chả thấy email nào, mình cũng hơi thất vọng. Sáng sớm thứ 4, nhận được email mở đầu là “I am pleased…” mình biết hóa ra là những điều dành cho mình thì không cần sợ hãi quá nhiều. Mình chỉ cần là mình, đưa tay ra thì có người trao cơ hội thôi. Từ dạo hết sợ statistic, và bắt đầu ngồi xem video tự học data science, không ngờ đến một ngày mình học ở School of Computer Science, môn đầu tiên mình trợ giảng là data visualization, công việc văn phòng đầu tiên ở Anh là Data Scientist (dù chỉ là thực tập sinh lơ ngơ ngồi cùng các đồng nghiệp code nhanh như mình viết blog) và công việc dài hạn đầu tiên là đi dạy phân tích data cho người khác. Rất nhiều người hỏi mình sao có thể vượt qua sự “chán và nản” khi tự học. Mình cũng không biết. Mình chỉ cố gắng và cố gắng thôi. Không cố gắng thì mình còn làm được gì nữa. Mình chỉ có 2 lựa chọn 1 là cố gắng đi tiếp, 2 là bỏ cuộc. Mình từng chép tay cả mớ dòng code ra vở để hiểu và nhớ nó. Nghe thật ngu ngốc nhưng viết tay, bày lên trang giấy là cách mình vẫn làm để mọi thứ trở nên rõ ràng hơn trong tâm trí. Mình tự chọn con đường của riêng mình, cố gắng làm mọi thứ đơn giản, dễ hiểu và ứng dụng nhiều nhất, thay vì “show” những thuật ngữ lằng nhằng và phức tạp, hay “flex” mình học cái này học cái kia. Và vũ trụ đã cho mình thêm tin tưởng vào con đường của mình.
Về bản thân
Có một lần gặp cậu bạn khóa trên. Cậu ấy mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi quen thuộc. Mình trả lời “Not bad, but not good”. Cậu bạn hỏi tiếp “Không, tao hỏi mày thế nào, chứ không hỏi nghiên cứu của mày ra sao”. Chính lúc ấy khiến mình giật mình nhận ra, từ khi nào mình đã đánh mất sự thú vị của chính mình khi biến nghiên cứu này là thứ duy nhất mình quan tâm trong cuộc sống. Liệu con người luôn “bận rộn với những sở thích” của mình đã biến đâu mất, chỉ để lại một người luôn lo âu về “cái phương pháp luận”. Trong mỗi lần họp với giáo sư hướng dẫn, thầy luôn hỏi mình thế ngoài nghiên cứu ra có làm gì vui không? Khi thì mình nói mình đi du lịch, khi thì mình khoe mới tham gia viết một cuốn sách xuất bản ở Việt Nam, khi thì mình nói về kế hoạch ấp ủ một cuốn sách khác. Thầy luôn nói với mình rằng “Bản thân em quan trọng hơn tất cả những lý thuyết mà em phải học và những báo cáo mà em phải viết”. Và mình hiểu hơn bao giờ hết, điều quan trọng nhất mình cần làm trong 4 năm học PhD không phải là viết 1 cái Thesis 100 ngàn từ, xuất bản ít nhất 2 bài báo khoa học mà là đi tiếp hành trình trưởng thành của chính mình.
Tự do và trách nhiệm của sự tự lập
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, mình thấy mọi việc trong cuộc sống của mình phải tự lo. Hồi học ở London, các cô ở ILSC bao bọc chúng mình nhiều quá. Cuộc sống của Chevening ở London với mình hồi đó vô lo hơn nhiều. Ít nhất mình không phải tự dọn nhà vệ sinh và đánh rửa nhà tắm. Ở nhà thì hỏng cái gì cũng gọi bố, đồ trong nhà thì chị mua. Còn giờ thì một mình làm hết. Lần đầu tiên mình vào siêu thị và đọc từng cái nhãn để phân biệt một đống hóa chất tẩy rửa. Lần đầu tiên mình biết đến cái gel thông tắc cống nhà tắm chứ không cần dùng que moi đống tóc kẹt trong lỗ thoát nước. Lần đầu tiên mình tự nhắc bản thân phải biến căn phòng sinh viên này thành một tổ ấm. Mình trang trí phòng, mua thảm nhà tắm, mua viên xả bồn cầu để nó thơm mùi lavender và có màu tím, mua cả môt chiếc máy hút bụi đắt tiền và mua hoa cắm trong phòng mỗi tuần. Ban đầu thì bối rối, nhưng rồi mình thấy một niềm vui khi thấy mình có thể gọi là trưởng thành.
Chăm sóc cho bản thân
Rất nhiều người nói với mình học PhD bị rụng tóc, stress thì mọc mụn. Nhưng mình lại có một trải nghiệm khá khác. Mình thấy chưa bao giờ hài lòng với vẻ bề ngoài của bản thân như lúc này. Mình không còn tự ti về chuyện mình béo nữa. Chưa bao giờ mình thấy mặt mình không có một cái mụn nào như bây giờ và tóc mình nuôi dài, rẽ ngôi không thấy chân tóc. Đợt về Việt Nam, ai cũng hỏi “Da đẹp thế? Tóc dày thế? Gầy thế?”. Tất nhiên là mình cũng đầu tư kha khá vào mỹ phẩm và chăm sóc tóc. Nhưng điều mình thấy vui là cuối cùng mình cũng tìm ra một chu trình với những sản phẩm phù hợp với bản thân và có thể trang bị cho mình những thứ tốt nhất (ví dụ như máy sấy tóc Dyson chẳng hạn). Mình chuyển dần sang ăn chay, dù thỉnh thoảng đi với bạn thì vẫn ăn thịt, đầu tư chiếc máy xay để uống sinh tố rau củ mỗi ngày, tập Yoga và thiền mỗi sáng. Càng kỷ luật càng tự do. Mình thấy cuộc sống healthy không chỉ giúp mình khỏe hơn, đẹp hơn mà hơn cả nó giúp mình quên đi những lo lắng, bởi mình bận chăm sóc và yêu thương bản thân mình.
Tự tạo ra những niềm vui
Mình thấy may mắn vì thầy cô, bạn bè đều rất tốt với mình. Những người bạn cùng lớp của mình còn tá hỏa gửi kit test covid đến nhà cho mình hôm mình nghi bị Covid. Họ thấy bất bình và bảo vệ mình lúc mình dính phải chuyện trời ơi đất hỡi. Cậu bạn thân hay đưa mình đi chơi đến những lâu đài và điền trang quanh Nottinghamshire, cô bạn cùng lớp hỏi han mình cho đến mình xác nhận mình đã ổn trở lại sau những chuyện buồn từ lần gặp trước. Mình cũng có những người bạn Việt Nam ở Nottingham.
Mình cũng có một vài chuyến đi, khám phá những vùng đất mới mà trước đây mình đã lưu vào wish-list mà chưa kịp đến. Ngoài việc duy trì sở thích cũ (dù không đều) như đến trường tập Piano, đọc sách, calligraphy, chụp ảnh, mình bắt đầu niềm vui mới đó là học vẽ màu nước.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Như đã nói ở trên, tất cả chúng mình đều đối mặt với những nối cô đơn, những điều mình chẳng thể chia sẻ cùng ai. Mình nghĩ bản thân mình lạc quan và mạnh mẽ, nhưng cuối cùng cũng có lúc mình cuộn tròn trong chăn và khóc vì nhớ nhà và lạc lõng khi thấy mình chẳng thuộc về đâu. Có những lúc mình mệt đến nỗi chẳng muốn cố nữa, chỉ muốn ngồi yên một chỗ để khó khăn vượt qua mình rồi nó sẽ biến mất. Có một tuần hồi tháng 1, chúng mình stress đến nỗi cậu bạn gọi điện cho mình và nói “Chúng ta có thể gặp nhau chỉ để cùng nhau khóc”. Nhưng hơn ai hết mình hiểu khó khăn là sự rèn luyện nghiêm khắc của cuộc sống này. Mình sẽ phải học cách vượt qua và mạnh mẽ hơn.
Cả năm, cũng chẳng có thành tự nào mới để “flex”, nên có lẽ con người hiếu thắng trong mình của ngày xưa sẽ thất vọng lắm. Mình dần biết cách tận hưởng hiện tại, những niềm vui giản đơn như mỗi sáng ngồi xay sinh tố táo cà rốt, cải kale, vừa ăn sáng vừa nghe lại audio cuốn sách mình từng rất thích “Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy. Và thật lạ, mình đọc cuốn sách từ hồi lớp 9 mà sao giờ nghe lại thấy nó còn hay hơn ngày xưa, gợi lên nhiều bài học hơn ngày xưa. Và câu chuyện ấy nhắc mình rằng “Được thức dậy mỗi ngày, được thở, được sống, được đi trên chính đôi chân mình đã là điều quá đỗi tuyệt vời”.
Kết luận
Nhìn lại 1 năm qua, mình thấy vui về hành trình đã đi. Thực sự mình nhớ lời cô giáo hướng dẫn nghiên cứu hội đại học của mình từng nói “Sau này em sẽ thấy giá trị của những vất vả ngày hôm nay”. Thật bõ công xin học bổng đi học PhD, chương trình không làm mình thất vọng.
Mình được tự do đi trên con đường của chính mình, được tự do học, tự do nghiên cứu khám phá. Mình học cách tin vào chính mình, hiểu được rằng mình sẽ thực sự phát huy được giá trị của mình khi được đặt đúng chỗ, và mình có thêm nhiều động lực trên con đường mà mình chọn dù thấy mình chẳng giống ai. Mình đã không còn bị ảnh hưởng bởi góc nhìn của người khác, vì trải nghiệm của mình khác biệt, con người mình cũng khác biệt. Mình tin vào những điều tốt đẹp đấy, còn ai thích drama thì kệ họ. Soi chiếu vào một bài học mình học được trong cuốn “Thông điệp của nước” của tác giả Masaru Emoto rằng
Hạnh phúc cảm giác bình an trong trái tim, cảm giác yên tâm về tương lai và một cảm giác mong đợi mỗi sớm mai thức dậy?
Mỗi tối trước khi đi ngủ, nằm trong cái chăn thơm thơ sạch sẽ, mình vẫn thấy thật kỳ diệu vì cuối cùng mình cũng được ở đây, và mong ngày mai đến thật nhanh. Mình có thể tự tin khắng định rằng mình hạnh phúc..
Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
2 Comments