Tôi có một thói quen là cứ mỗi khi rảnh, tôi lại lên Google Map nhìn tên những thị trấn nhỏ xung quanh rồi tìm hiểu xem nơi đó có gì, có thể đi từ Nottingham trong ngày hay không. Có nhưng thị trấn rất nhỏ mà dường như bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy trong những quảng cáo du lịch. Có những chuyến đi rất “thất bại” bởi dường như thị trấn ấy không có gì ngoài một khu mua sắm ở trung tâm và những ngôi nhà dân bằng gạch. Như lần chúng tôi đến “Burton-on Trent” chúng tôi đi cả ngày và chẳng thấy chỗ nào đặc sắc. Nhưng không đi thì sao biết? Đôi khi tôi chỉ muốn sang một thị trấn khác, ngồi uống cà phê và đọc sách ở một quán cà phê lạ, tận hưởng một ngày cuối tuần bình yên. Và cũng thật may, điểm đến ngẫu nhiên lần này, Newark-on-Trent không khiến chúng tôi thất vọng.

Hôm trước tôi có nghe một câu chuyện trên TED về “The Danger of a Single Story” của Chimamanda Ngozi Adichie, một nhà văn nữ người Nigeria. Trong đó, tác giả kể về những định kiến tạo ra từ những câu chuyện phiến diện, lấy ví dụ từ chính câu chuyện của cô ở Châu Phi. Ngay cả khi ngày nay, truyền thông ngày càng phát triển và mạng xã hội lan tỏa đến mọi ngõ ngách, khai thác từng khía cạnh của cuộc sống, nhưng đôi khi những định kiến vẫn không thể thay đổi. Bởi vì người ta chỉ xem những gì được truyền thông nói đến và sự tiếp nhận thông tin trên mạng ngày xã hội ngày càng trở nên hời hợt. Người ta thích click vào một đường link nói về một vấn đề đang bày ra trước mắt (mà nó càng giật gân càng tốt) thay vì chủ động đi tìm thông tin. Và “We don’t know what we don’t know”.

“Những câu chuyện phiến diện tạo ra những khuôn mẫu. Và vấn đề với những khuôn mẫu không phải là chúng không đúng mà là chúng không đầy đủ. Chúng biến một câu chuyện trở thành câu chuyện duy nhất.

The single story creates stereotypes, and the problem with stereotypes is not that they are untrue, but they are incomplete. They make one story become the only story”

Chimamanda Ngozi Adichie

Và có lẽ nếu chỉ ngồi mò trên Google tôi sẽ chẳng bao giờ biết mà đến Newark-on-Trent, và nếu không đến Newark-on-Trent tôi sẽ chẳng bao giờ ngồi Google về Civil War. Tôi cũng khá bất ngờ bởi đến ngay cả cuốn Cẩm Nang du lịch nước Anh của mình chi tiết đến vậy mà cũng không nhắc đến thị trấn này. Nước Anh những ngày chưa đi du học nhìn qua TV, qua những cuốn sách thật khác so với những ngày tôi còn ở London, nhưng tôi chợt nhận ra mình mới chỉ có một cái nhìn thật phiến diện. Đi mãi, đi mãi tôi vẫn không thể hiểu hết được hòn đảo này. Nước Anh, ngày tôi bắt đầu cuộc sống tại Nottingham cũng lại thật khác.

Newark-on-Trent, thường được gọi là Newark, là một thị trấn lịch sử nằm ở hạt Nottinghamshire, ở phía Đông miền trung nước Anh. Sông Trent bắt nguồn từ ngọn đồi Biddulph ở hạt Staffordshire, chảy qua một số hạt ở miền Trung và miền Bắc, trong đó có Nottinghamshire, trước khi đổ ra biểm Humber gần thành phố Kingston Upon Hull. Newark nằm trên vùng đồng bằng màu mỡ được sông Trent bồi đắp, bởi thế mà nó có tên là Newark-on-Trent. Newark từng là một trung tâm thương mại và giao thông từ thời Trung Cổ.

DSCF1595-01

Đến Newark-on-Trent, thì nơi đầu tiên người ta đến có lẽ là Newark Castle. Lại một màn không thể tin vào Google đó là, trước khi đi, tôi và bạn Google thì biết lâu đài chỉ mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6, và giá vé tham quan là 5 bảng. Bởi thế, sáng thứ 5, kết thúc buổi workshop, tôi bỏ chiếc bánh Croissant vào lò nướng rồi vội vã cầm nó ra ga. Newark-on-Trent chỉ cách Nottingham 45 phút đi tàu. Và đến nơi, tôi nhận ra lâu đài mở cửa miễn phí, như một công viên cho tất cả mọi người vào tham quan, không thu vé, và tất nhiên nó cũng chẳng đóng cửa vào cuối tuần.

DSCF1599-01

Lâu đài Newark được xây dựng từ thế kỷ 12 bởi vương triều Norman nhằm kiểm soát vùng đất phía Bắc, sau đó được cải tạo để trở thành một cơ sở quân sự trong suốt thời kỳ Civil War vào giữa thế kỷ 17. Nó cũng từng được sử dụng như một nhà tù vào thể kỷ 18, 19. Khác với những lâu đài khác như Dover hay Warwich, nội thất bên trong lâu đài Newark dường như không còn. Trải qua nhiều cuộc chiến, ngày nay lâu đài Newark chỉ còn những tàn tích, bức tường vàng màu mật ong, sừng sững kể một câu chuyện lịch sử đầy bi thương bên sông Trent hiền hòa, giữa thị trần với những ngôi nhà gỗ cổ điển. Người dân thị trấn vào khuôn viên khu vườn để tận hưởng những ngày hè ngắn ngủi.

DSCF1549-01

Cứ ngỡ chuyến thăm Newark kết thúc tại đây, chúng tôi vào trung tâm thị trấn đi dạo. Tôi thích kiểu thị trấn này. Kiến trúc Georgian với những ngôi nhà gỗ phủ lên cả thị trấn một màu nâu trầm xưa cũ. Những cửa hàng ở trung tâm phần lớn là cửa hàng địa phương, không thấy nhiều những chuỗi cửa hàng lớn “đặc sản nước Anh” mà đi đâu cũng thấy. Tôi chẳng hiểu sao người ta hay nói Bath là thành phố Anh nhất nước Anh nhưng tôi lại thích hơn những thành phố và thị trấn phong cách này với màu nâu xưa cũ này như Chester, như Strafford-Upon-Avon.

DSCF1615-01

DSCF1623-01

DSCF1621-01

Chúng tôi đi qua khu chợ trung tâm, hơi tiếc vì phòng triển lãm của thành phố đóng cửa hơi sớm mà chúng tôi không kịp qua. Và điểm cuối cùng mà tôi Google được có thể tham quan khi đến Newark đó là National Civil War Museum, một nơi khiến cả thị trấn nhỏ bé này đặc biệt hơn với tôi. National Civil War Museum có 4 tầng khá đơn giản nằm trên một khu đất khiêm tốn ở trung tâm thị trấn, phía sau nhà thờ. Bảo tàng không có nhiều hiện vật nhưng những bộ phim cũng giúp tái hiệu lại một phần lịch sử.

 Câu chuyện về lâu đài Newark không thể tách riêng ra khỏi câu chuyện của cả thị trấn Newark, trong chiến tranh Civil War từ năm 1642 đến năm 1651. Dường như lịch sử Anh và lịch sử Việt Nam khá ít khi gặp nhau ở những nút giao lịch sử. Nhưng tôi nghĩ chúng ta từng học qua về Civil War khi học về lịch sử thế giới trong chương trình lịch sử phổ thông, sự ra đời của chế độ quân chủ lập hiến.

DSCF1637-01

DSCF1635-01

Chiến tranh dân sự Anh (Civil War, 1642-1651) là cuộc xung đột diễn giữa phe đế quốc (Royalists) và Dân chủ (Parliamentarians), xảy ra do những mâu thuẩn chính trị, xã hội, tôn giáo và để lại những hậu quả sâu sắc cho nước Anh. Bắt đầu từ năm 1642, các lực lượng dân chủ bao gồm người dân thành thị, giai cấp tư sản, dưới sự lãnh đạo của Oliver Cromwell và tướng Thomas Fairfax xung đột vơi lực lượng đế quốc dưới sự lãnh đạo của vua Charlas I cùng sự hỗ trợ của các quý tốc và nông dân. Đến năm 1946, vua Charles I bị bắt và kết án tử hình vì tội phản quốc. Chiến tranh dân sự kết thúc năm 1951, với phần thắng thuộc về lực lượng Dân chủ.

Sau đó, nước Anh bắt đầu giai đoạn chuyện giao trở thành Cộng Hòa Đệ Tam, Oliver Cromwell làm chủ tịch Hội đồng quân đội. Thời kỳ này cũng xảy ra nhiều xung đột với quân đội Scotland, Ireland chống đối nhà nước. Từ năm 1653, Oliver Cromwell thành lập một chế độ quân chủ độc tài, sử dụng sức mạnh quân đội đàn áp bất kỳ ai phản đối chính quyền. Đến năm 1658, Oliver Cromwell qua đời, con trai ông là Richard Cromwell lên thay nhưng không duy trì được sự kiểm soát với đất nước. Chế độ Cộng hòa chấm dứt. Đến năm 1960, chế độ quân chủ được khôi phục, con trai của vua Charles I là Charles II trở thành vua tiếp theo của nước Anh. Tuy nhiên, quyền hạn của nhà vua có sự thay đổi. Sau chiến tranh cùng quá trình đàm phán, thỏa thuận, nước Anh dần trở thành một nước quân chủ Lập hiến, hạn chế quyền lực của nhà Vua và đánh dậy sự xuất hiện của một hình thức chính phủ dân sự với sự kiếm soát của Quốc hội.  

DSCF1631-01

Một suy nghĩ khá rùng mình lướt qua đầu tôi rằng trên khắp những con phố bình yên kia từng là nơi đẫm máu. Hiểu về Civil War tôi cũng hiểu thêm về ý nghĩa và vai trò của thành phố Nottingham. Gần một năm ở đây hay khi tham quan lâu đài Nottingham tôi cũng không học nhiều về Nottingham như thế. Tôi chỉ biết về Robinhood chứ chưa từng nghe về những xung đội, tranh giành mà vùng đất này đã trải qua.

DSCF1618-01

Chúng tôi quay lại trung tâm thị trấn, tới những địa điểm nổi bật được nhắc tới trong bảo tàng. Chiều dần xuống, khu chợ ngoài trời đóng cửa nhưng những con phố đã nhộn nhịp hơn hồi trưa. Thực ra có rất nhiều thị trấn tôi từng đến nhưng không đưa nó lên Blog. Bởi vì tôi không biết viết gì về nó cả. Ngoài những bức ảnh đẹp đẽ có thể post Instagram, tôi thường thích một thị trấn bởi câu chuyện của nó, điều mà tôi hay gọi đó là một cái “content”, nếu không có thì đẹp mấy cũng dễ trở nên nhạt. Tôi đến Newark-on-Trent được học về Civil War, một phần lịch sử quan trọng của nước Anh. Tôi mong rằng nhiều người sẽ biết đến Newark-on-Trent, để có thể nhìn nước Anh dưới một hình hài khác, một nước Anh không phải qua một câu chuyện phiến diện, một nước Anh mà ít khi bạn thấy trên những quảng cáo du lịch và mạng xã hội.

DSCF1603-01

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.