Bình thường cuối tuần mình sẽ lên trường tập đàn, ngồi viết Blog, rồi đến chiều đi chợ. Nhưng tuần này không muốn ở nhà hay loanh quanh ở Nottingham nữa, mình nghĩ mãi chẳng biết đi đâu, rồi đặt vé đến Leeds. Hôm nay mình chuẩn bị máy ảnh, nhưng cuối cùng lại chẳng lấy ra bởi chuyến đi này chẳng để tham quan hay có việc gì cả. Đây cũng là lần 2 mình đi Leeds rồi. Nếu nói về một thành phố để tham quan, chắc mình cũng chẳng đến Leeds lần 2. Tham dự một hội thảo  khoa học ở Leeds – cũng có thể lắm bởi trường đại học Leeds vẫn luôn chót vót thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng, mà có vẻ nhưng càng ngày càng cao. Nhưng mà mình thì chưa có nghiên cứu gì để  đi hội thảo. Lần này, lý do chính để mình đặt vé tàu, đi 2 tiếng từ Nottingham đến Leeds là để gặp 2 người bạn. Một người mới quen, và một người đã là bạn gần 25 năm.

Tự nhiên mình nhớ có rất nhiều cái hẹn “Khi nào tiện thì gặp” nhưng rồi chẳng bao giờ tiện, hoặc là có tiện công việc thì cũng chẳng kịp ghé lâu. Liệu mình có thể đến một nơi mà chẳng để ngắm cảnh và chụp một tấm ảnh đẹp, chẳng phải có công việc gì, mà có thể để bạn mình là một lý do chính cho chuyến đi chứ không phải là “tiện qua”?. Nếu bạn ấy không có dịp qua chỗ mình thì liệu mình tiến lên trước. Thực ra mua vé tàu đi 2 tiếng, giữa mùa hè 10h mới tối cũng chẳng phải là cái gì đó to tát.

Buổi sáng, cô bạn người Trung Quốc đang học PhD về Statistic ở Leeds mà mình quen chóng vánh trong 1 event ở London đợi mình ở ga. Cô ấy nói, cô ẩy rất bất ngờ khi nhận được email của mình, và không nghĩ mình đến chỉ để gặp cô ấy (Tất nhiên mình còn gặp bạn mình nữa nhưng gặp cô ấy cũng là 1 lý do). Thực ra, chúng mình đều quen với những sự kiện networking, nơi mà ai nấy đều niềm nở, lấy contact, hẹn gặp lại nhưng chẳng bao giờ gặp lại nữa. Tình mình thì không như vậy, khi mình nói “rất vui khi gặp bạn” thì thực lòng mình cảm thấy vui và quý mến người đối diện thật. Và ở nơi đất khách quê người này, có thêm 1 người bạn cũng là điều trân quý.

Cô bạn dẫn mình đi dạo một vòng trung tâm Leeds. Leeds cơ bản là một thành cố công nghiệp, và khác với Nottingham toàn đồng cỏ, thì Leeds rất nhiều nhà cao tầng. Thật buồn cười là khi nhìn tòa nhà phải đến mấy chục tầng ở trước mặt, như thể một khách sạn năm sao, cô bạn tôi nói “Đó là ký túc xá sinh viên”, mình hoảng hốt nhận ra đời sống sinh viên ở Leeds thật là “xịn mịn”. Và khi cô bạn tôi chỉ lên tòa nhà mà cô ấy sống, tòa nhà cũng cao không kém, tôi nghĩ thầm “Ôi cũng một kiếp đi học PhD!!!”.

Leeds

Leeds là thành phố lớn thứ 3 và là trung tâm học thuật quan trọng ở Vương quốc Anh, là đại bản doanh của 5 trường đại học danh tiếng với hệ thống đào tạo đa dạng. Có thể kể đến University of Leeds, trường đại học nghiên cứu lâu đời và danh tiếng, được thành lập năm 1904, Trường Đại học Leeds Beckett (trước đây là Leeds Metropolitan University) tập trung vào giảng dạy chuyên sâu trong các lĩnh vực như kinh doanh, thể dục thể thao, truyền thông và nghệ thuật, y tế và y tá. Leeds Trinity University là một trường đại học nhỏ hướng tới giảng dạy các ngành có tính ứng dụng cao như truyền thông, giáo dục, tâm lý học và kinh doanh. Leeds Arts University là một trường đại học chuyên về nghệ thuật và thiết kế. University of Law, Leeds là một trường đại học chuyên về luật pháp và đào tạo luật sư, với các chương trình bậc cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực luật. Với số lượng sinh viên tại 5 trường đại học, không quá khó hiểu khi những tòa nhà dành cho sinh viên đều cao ngất và  rải rác khắp phố. Phòng trong những tòa nhà này có giá rất cao, khoảng 190 bảng/ tuần nhưng thường sold out rất nhanh từng tháng 8, bởi sinh viên Trung Quốc qua các trung tâm du học liên kết với chủ đầu tư tòa nhà đã book từ sớm.

IMG_6701-01
Leeds City Hall

Sáng thứ 7 mùa hè, những người dân còn chưa muổn ra khỏi nhà và  sinh viên cũng về nghỉ hè hết, nhưng hàng quán cũng mở cửa muộn. Đi dạo  trên những con phố ở Leeds, mình cũng ngợp bởi những ngôi nhà cao tầng. (Chắc có lẽ ở Nottingham mình nhìn đồng cỏ quen rồi). Những con phố mua sắm với những cửa hàng của các nhãn hiệu lớn trài dài khu trung. Cũng là thành phố lớn, nhưng với mình mỗi thành phố có một màu sắc riêng, khi đến mình có thể cảm nhận được cái vibe rất khác. London bỏng bẩy và hào nhoáng hơn với những ngôi nhà phủ một màu xám sang chảnh. Manchester trong mình có màu đỏ thẫm, còn Leeds đặc trưng bởi sắc vàng sẫm ố màu thời gian.

Điểm đầu tiên, cô bạn đưa mình qua Leeds Kirkgate Market. Đây Đây là một trong những khu chợ nổi tiếng và lâu đời nhất ở Vương quốc Anh, được thành lập từ năm 1857. Đến cuối thế kỷ 19, Leeds Kirkgate Market đã trở thành một trong những khu chợ buôn bán sầm uất nhất ở Vương quốc Anh. Nó được xem là một biểu tượng kinh tế và văn hóa của thành phố Leeds. Đây là khu chợ truyền thống, có mái cùng khu ngoài trời, nằm ngay cạnh trung tâm thương mại Victoria. Mình có thể tìm thấy nơi đây mọi thứ từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thực phẩm địa phương đến quần áo, giày dép, đồ điện tử, đò handmade và hàng hóa đa dạng khác. Sẵn buổi sáng chưa ăn gì, mình mua 1 chiếc bánh ngọt Custard, và cô bạn mua thêm cho mình 3 chiếc Su kem. Giá ở đây rẻ hơn so với ở Nottingham. Như mình thấy chiếc bánh này ở Nottingham sẽ không dưới 3 bảng, nhưng ở chợ này chỉ có 1.99. Còn khu hoa quả, ở Thường 1.5 bảng chỉ được 5 quả đào, còn ở đây phải được 8 quả.

Tiếp đến chúng mình qua Corn Exchange. Lần trước đi với nhóm Chevening chúng mình cũng từng qua đây uống cà phê. Nhưng có lẽ do ảnh hưởng của Covid cũng kinh tế đi xuống, những cửa hàng ở Corn Exchange cũng thưa bớt. Corn Exchange được xây dựng từ năm 1863, với kiến trúc vòng tròn, những cửa hàng có khung cửa màu sắc bán đồ lưu niệm, hoa, trang sức, đồ handmade và quán cà phê ở sảnh. Với kiến trúc vòng tròn đặc trưng, Corn Exchange thỉnh thoảng cũng được dùng làm khu triển lãm cho các sự kiện nghệ thuật địa phương.

20230701_095040
Leeds Corn Exchange

Rời Corn Exchange, trời bắt đầu hửng hắng, chúng mình qua khu tòa thị chính và phòng triển lãm nghệ thuật. Thành phố này có Art Gallery miễn phí (một điều không có ở Nottingham). Phòng triển lãm tuy nhỏ, và bộ sưu tập dù không đồ sộ nhưng rất đang dạng từ cổ điển, đến hiện đại, bao gồm cả tranh và điều khắc, sắp đặt. Thực lòng mà nói thì mình thích nghệ thuật cổ điển hơn. Một phần của của triễn lãm cũng trung bày và giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ địa phương.

IMG-20230701-WA0000-01

Xong một vòng, hai đứa vào ăn ở một nhà hàng Thái trung tâm. Trưa mùa hè, ngồi ăn ngoài trời, ngắm người qua lại là một cảm giác chill hết nấc. Tự nhiên mình thấy trong cô bạn vừa mới quen chưa lâu một sự gần gũi, bởi sự giống nhau trong cả những vấn đề cũng ngày, ngay cả cái trò cứ trời âm u là thấy “mệt”… Hai đứa con gái châu Á, cùng đang học PhD, cùng không thích những bữa tiệc ồn ào, cùng thấy lẻ loi và bị ngó lơ trong cộng đồng phương Tây, cùng cái cảm giác lẻ loi ở trong một thành phố sầm uất, và cùng có mẹ đang giục có bản trai. Cô bạn nói, ngày hôm qua trời âm u và chuyện ở trường khiến cô ấy mệt mỏi nhưng hôm nay mình đến khiến cô ấy rất vui.

IMG_6705-01

Dù mình rất biết ơn và hài lòng với những gì mình có hiện tại, nhưng phải nói cuộc sống PhD không phải một màu hồng. Hôm trước chương trình tổng kết, mọi người đưa ra ý kiến về sự hỗ trợ cần thêm. Mình thấy cậu bạn người Anh ngồi cạnh viết về cảm giác bị cô lập, cô đơn. Có thể nói, 2 từ isolated và lonely là từ hoàn hảo nhất để miêu tả về cuộc sống của PhD. Mình nghĩ thầm, cậu ấy có gia đình ở đây, có thể về nhà mỗi cuối tuần, cậu ấy cũng có bạn gái mà còn cảm thấy vậy. Nhìn xem, vậy mình thì thế nào? Mình cứ tưởng mình lạc quan lắm cơ nhưng hóa ra chuyện gì đến vẫn phải đến. Nhưng hôm trước, mình xem một bài nói chuyện thế này, lạc quan không phải là lúc nào cũng phải vui cười, mà là khi bạn có thể bình tĩnh để đối mặt với khó khăn, và sau tất cả những vui buồn ấy, bạn hiểu được bài học mà cuộc sống này tặng cho mình. Mình nghĩ, món quà đó là sự độc lập, và hiểu bản thân mình hơn. Và từ cuộc nói chuyện với cô bạn người Trung Quốc, mình thấy được sự đồng cảm và thấy hiểu.

Ăn xong, trời bắt đầu lại mưa, cô bạn dẫn mình qua trường Leeds, dạo qua một vòng những tòa nhà, thư viện như anh Dũng dẫn hội Chevening đi lần trước. Trường Leeds rộng với nhiều tòa nhà hiện đại, nhưng chính sự hiện đại ấy khiến khuôn viên không mấy thơ mộng. Chỉ một vài tòa nhà còn duy trì kiến trúc cổ điển, xây bằng gạch đỏ kiểu Red-brick University (từ để chỉ các ngôi trường danh tiếng ở Anh từ thời xưa), còn lại hầu hết các tòa nhà đều hiện tại, vuông vắn. Đi một vòng quanh trường vắng lặng kỳ nghỉ hè, cô bạn bảo mình có thể khám phá công viên, nhưng mình mệt quá rồi, đành quay lại thư viện ngồi. Trước khi chia tay để cô ấy đi chăm sóc con mèo của người bạn đang đi leo núi, cô ấy còn dặn mình có chuyện gì cứ nhắn tin cho cô ấy, và có thể rủ cô ấy đi du lịch, cô ấy sẵn sàng lắng nghe, vì đi du học không phải lúc nào cũng tìm được bạn hợp tính. Và từ ấy mình có thêm 1 người bạn.

IMG_6694-01

IMG_6691-01
University of Leeds

IMG_6693-01

Bạn đi rồi, mình ngồi đợi trong thư viện, cho đến khi một người bạn khác đi làm về. Hôm trước một người bạn gửi cho một bài viết về hạn sử dụng của một mối quan hệ. Trong cả trời đất vũ trụ này, quy luật lớn nhất là vô thường mà không điều gì vượt qua được nó. Điều duy nhất không thay đổi chính là Sự Thay Đổi. Có rất nhiều người bạn sẽ chỉ cắt ngang đường mình một lúc, rồi họ sẽ lại đi hướng khác. Thế rồi những câu chuyện sẽ thưa dần và chẳng còn nữa. Nhưng đôi khi trong đời cũng sẽ có một ai đó không phải lúc nào cũng ở bên nhưng  nhờ có người đó mà bạn bình yên, vì người đó mà quyết tâm phải trưởng thành cho rực rỡ.

Mình và cô bạn học với nhau từ lớp 1. Hồi ấy, mình rất hiền và hay bị bắt nạt, còn cô ấy lúc nào cũng đứng ra bảo vệ, thậm chí còn đánh cả những đứa bắt nạt mình. Chúng mình thân nhau như chị em. Lên cấp 2, cấp 3, đại học học khác trường nhưng cô ấy vẫn luôn nhớ ngày sinh nhật của mình, và tặng cho mình những món quà rất ý nghĩa dù hai đứa không còn nói chuyện với nhau thường xuyên, và chuyện gì cũng kể cho nhau nghe nữa. Ở nhà mình có 3 cái bình thủy tinh. Một là 1000 con hạc giấy, một hũ khác là 1000 ngôi sao nhỏ, và hũ còn lại là  100 chiếc máy bay giấy ghi trong đó những hi vọng. Tất cả đều là cô ấy tự làm, nên mình luôn trân trọng để 3 chiếc mình trong tủ kính ngoài phòng khách. Mấy lần sửa nhà mình mang đi bình đi gửi rồi nhà xong thì lại mang về. Hết đại học, mình ở lại Hà Nội, cô ấy đi Úc.

Có một cách rất lạ kỳ là chúng mình hay viết thư và gửi thiệp cho nhau hơn là nhắn tin, gọi điện. Đợt Covid, cô ấy ở Úc, nhắn về cho mình giờ quyết định về nước hay ở. Khi ấy mình thực sự rất sợ và mung lung. Chưa bao giờ mình thấy bất lực và lo sợ rằng có thể mất cô ấy và không thể gặp lại. Cho đến một ngày, mọi chuyện như cơn bão vừa đi qua, tất cả trở lại thật bình yên, chúng mình không hẹn mà gặp cùng đến UK cùng một năm.

Mình chẳng nhớ lần cuối cùng gặp cô ấy là khi nào, và chẳng thể tưởng tượng nổi hai đứa có ngày gặp lại nhau ở Anh sau chục năm đi khắp nẻo. Mình cũng sợ, liệu hai đứa có “ngại” nhìn nhau và không biết nói chuyện gì, liệu những câu chuyện có còn những điểm chung. Nhưng rồi chẳng cần mất giây phút nào để ậm ừ “quen lại từ đầu”. Chúng mình trở về như những ngày hôm qua.

Đường phố Leeds chiều lên đã đông đúc hơn. Mình thích cái cảm giác ngồi uống trà sữa ngoài trời, gió hiu hiu thổi, nắng chiều vàng ươm trên con phố tấp nập người qua. Thấy cuộc sống ở Leeds thật đủ đầy và hợp với những người đi làm, thích sự hiện đại nhưng không quá choáng ngợp như London. Bao chuyện cứ thế gọi về thật vui tươi và thân thuộc. Từ chuyện công việc, gia đình, cuộc sống của cô ấy ở Úc, chuyện đi làm ở Việt Nam, tìm ở UK… Dù mấy phút nói chuyện chẳng thể kéo lại những chặng đường dài đã qua, dù bao năm không chung đường và  định hướng cuộc sống cũng khác nhau, nhưng mình nhận ra lý do tại sao chúng mình vẫn có thể “Tớ hiểu” đồng cảm trong những câu chuyện của nhau đến vậy. Bở vì cô ấy vẫn cứ là cô ấy,  và mình vẫn luôn được là chính mình khi ở cạnh cô ấy. Vẫn là tâm hồn và cá tính đó nhưng bọc trong sự gai góc để đối mặt với mọi vấn để của sự trưởng thành. Nhưng chúng mình vẫn có thể ngồi nói chuyện với nhau bằng cái phần trẻ con bên trong, chân phương không nhiều đắn đo toan tính, vẫn có thể “hồn nhiên” như hồi học cấp 1.

Chiều dần buông, 5h những hàng quán bắt đầu đóng cửa, bởi những người bán hàng cũng cần thưởng thức cuộc sống về đêm của riêng họ. Chúng mình ăn tối tại một nhà hàng Trung Quốc. Nhà hàng sạch sẽ,  bóng bẩy nhưng không qua đắt. Vì cô bạn không ăn thịt (chỉ ăn hải sản và đồ chay), nên chúng mình gọi cơm và cá. Món ăn rất ngon. Thế là mình có nhiều lý do hơn để tiến lên vùng phía Bắc, về Leeds.

20230701_182624

Mình bắt tàu về Nottingham, lỡ buổi hàng hôn ở Hyde park đẹp nhưng tranh mà cô bạn miêu tả. Mình lại nghĩ về thời hạn của những mối quan hệ. Có lẽ cũng như máy móc, một mối quan hệ cũng cần được “bảo trì” thường xuyên. Và thời hạn sử dụng của nó, tùy thuộc vào những điều hai người đầu tư vào đó. Có người vừa quen, có người đã chơi từ lâu cũng vẫn là bạn. Mình đã từng nói với cậu ấy một lần trong tấm thiệp chúc mừng sinh nhật rằng “Cám ơn vì đã làm bạn của tớ”. Nhưng sau những đổi thay, và sự hữu hạn của những mối quan hệ, có lẽ mình phải nói rằng “Cám ơn vì đã là bạn của tớ cho đến tận bây giờ”.


Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]