Tháng 9 vội vàng trôi qua. Chưa bao giờ trong danh sách những việc cần làm đã lên từ đầu tháng mà mình chẳng tick được đầu việc lớn nào. Tháng 9 cũng kết thúc kỳ nghỉ hè, kết thúc những đợt heatwave, cất lại những bộ váy mùa hè mát mẻ, để đón màu lá vàng của mùa thu, những cơn gió se lạnh với mùi pumpkin spice. Các bạn Chevening năm nay cũng vừa nộp khóa luận và sinh viên mới tấp nập sang UK bắt đầu một hành trình mới. Chính bởi cái khoảng khắc giao thoa đặc biệt ấy mà tháng 9 với mình luôn có một sự xao xuyến khó tả. Và chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ lại khiến cho tháng 9 của mình đáng nhớ hơn.

Chuyến đi này mình đi ké nhóm Chevening 2022/2023. Cũng vì được dự Pre-Departure năm vừa rồi, và cũng may mắn quen trước một vài bạn trong quá trình các bạn làm hồ sơ apply học bổng nên khi quay lại Anh học PhD, mình lại như được bắt đầu hành trình Chevening một lần nữa. Một năm qua, mọi người không những chia sẻ chỗ ở mỗi lần mình đi chơi, cho mình tham dự những buổi tụ tập, đi chơi mà còn giúp mình biết thêm nhiều điều hay ho.

2023-09-25-21-23-04-969-01

Ngày 13/9/2023

Chiều thứ 4, kết thúc một ngày đi thực tập ở London, mình trở về nhà Hoài, ngôi nhà đã “cưu mang” mình rất nhiều ngày trong suốt một năm qua. Hoài vẫn đang chưa nộp luận văn, hai chị em kết thúc buổi tối bằng 2 gói mỳ tôm còn sót lại trong tủ. Ngày hôm sau, mình đi Thổ Nhĩ Kỳ trước, còn Hoài sẽ đi sau để nhập đoàn vời mọi người.

Bài học đầu tiên cần lưu ý: Khi đặt vé máy bay Turkish Airlines bay khứ hồi, nếu bạn không bay chuyến chiều đi thì chuyến chiều về sẽ tự động bị hủy. Điều này được viết trong một mớ rất nhiều chữ khi đặt vé máy bay, mà nhiều khi chúng mình bấm OK mà không cần đọc.

2023_0915_16102400

Mình ra sân bay từ khá sớm, đi mấy vòng sân bay Gatwick, xịt đủ mùi nước hoa lên người, vào Starbuck mua 1 chiếc bánh quế và 1 cốc cà phê, đợi một lúc đồng bọn đến. Trên máy bay, tiếp viên tươi cười phục vụ món Pasta nóng hổi, tôi xem bộ phim Good Will Hunting, Soul và một đoạn trong Top Gun, mình nghĩ, niềm vui này có vẻ được mua bằng tiền. Nhưng rồi lại nghĩ mình đi làm chăm chỉ, không tiêu xài hoang phí, vẫn trong mức chi trả thì đâu phí hoài. Dịch vụ và sự thoải mái từ sáng đến giờ nó hơn hẳn bay máy bay Ryan Air. Và ngay cả việc được ngồi trên máy bay, xem một bộ phim mình cũng học được thêm điều mới. Niềm vui, sự thoải mái và tri thức đáng giá mà. Không cáu kỉnh thì xinh hơn, thoải mái thì đầu óc học được nhiều điều hơn, và xởi lởi trời cho, may mắn luôn bên mình. Và trong suốt hành trình ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng mình luôn nhận được những điều tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng.

Chuyến đi này nhiều cảm xúc quá, nên mình sẽ viết 3 bài Blog khác nhau, về thành phố Istanbul, về những thánh đường hồi giáo và về thành phố Cappadocia. Mình sẽ hoàn thành chúng sớm thôi. Nhất định là vậy.

DSCF2366

Những con người ở Thổ Nhĩ Kỳ  – Thân thiện và hào phóng

Khi đã hơi nhàm với những “tòa lâu đài” và những anh tóc vàng, da trắng, râu ria, hơi chảnh, ít nói thì khi vừa đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ, chúng mình không khỏi WOW vì …anh tiếp viên hàng không đẹp trai như bước ra từ trong truyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm. Có lẽ thời tiết nóng cũng ảnh hưởng đến tính cách con người, khiến họ hào sảng và … “ấm áp”. Sự đa dạng về văn hóa cũng thể hiện trên khuôn mặt và những bộ quần áo họ mặc và nét kiến trúc của thành phố này.

Những con người ở đây là điều mình ấn tượng nhất về vùng đất này. Ngay đêm đầu tiên đặt chân xuống Istanbul, mình còn định bảo mấy đứa muộn rồi đừng ra ngoài.  Nhưng thành phố này 1h đêm những cửa hàng mới bắt đầu đầu đóng cửa, và những con người ở đây cũng không buồn ngủ khi ở một thành phố sống động như Istanbul. Tối thứ 5 mà 12h đêm vẫn thấy bố mẹ dẫn trẻ con đi ngoài đường. Có một điều là nhìn xung quanh thành phố không nhiều khách châu Á (ý mình là những người có tóc đen, da vàng, mắt đen nâu như mình, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và khách da trắng (hay chúng mình còn gọi là Tây). Phần lớn người đi trên phố là người vùng Trung Đông, Tây Á. Họ có màu da vàng, hơi nâu, tóc đen và đôi mắt sâu hun hút, cuốn hút vô cùng.

DSCF2421

Sáng hôm sau đang lơ ngơ với google map trong những con ngõ nhỏ và dốc, một anh taxi hạ cửa kính hỏi cần giúp gì không mà còn nói luôn chỉ đường là chuyện tao vẫn làm, không vấn đề gì. Anh nhiệt tình chỉ đường cho chúng mình trước khi tiếp tục công việc.
Sau 1 ngày lang thang qua các thánh đường hồi giáo, skip cả bữa trưa, tối về đứa nào đứa nấy bơ phờ. Tìm nhà hàng rating cao, view bờ sông nhìn thành phố thì lối dẫn vào nhà hàng có quả trèo tường leo thang vô cùng khó hiểu. Chúng mình tới nhà hàng Harbi Adana. Nhìn không gian có vẻ hơi sang trọng so với chúng mình nhưng giá cũng khá vừa. Nhưng chuyện cũng sẽ như ngày bình thường cho đến khi mấy đứa như sắp chết đói, ăn hết rổ bánh nan khiến anh phục vụ không giấu nổi nụ cười. Rồi vỗ tay, lắc lư khi đồ ăn đưa ra. Rồi đỉnh cao là pha gặm sườn cừu nướng bằng tay dù nhà hàng chuẩn bị cho mỗi cháu hẳn 2 dao 2 dĩa. Thịt cừu ngon quá, bọn mình gọi thêm đĩa thứ 2. Khi vẫn còn đang cầm miếng sườn trên tay, những vị khách bàn bên vui vẻ ra nói chuyện với chúng mình trước khi họ đi về. Người vợ nhìn âu yếm còn ông chồng ra vỗ vai bạn mình và nói “Tao thích cách bọn mày eating nicely, nên muốn tặng bọn mày món tráng miệng cho 4 người. Tao đã thanh toán, chúc các bạn thường thức vui vẻ”. Chúng mình không nhịn được cười, ăn cũng khiến người ta thấy vui. Một lúc sau, anh phục vụ dọn bàn, mang đĩa và thìa mới và chiếc bánh nhân kem cùng trà nóng. Bạn mình nói đây là lộc 1 tháng ăn chay và 1 ngày đi chơi nhịn đói của mình, khi mình là đứa ngồi ăn quay mặt về phía bàn đó.

20230915_205732

Những ngày hôm sau, khi ngồi bờ sông Bosphorus, người đàn ông lạ bên cạnh cũng bẻ đôi mời chúng mình chiếc bánh vòng, tối đi ăn ở Tom Tom Kebab nhà hàng lại tặng salad. Một trong những nan giải mà chúng mình gặp phải ở Thổ Nhĩ Kỳ là giao thông. Ở Istanbul, giao thông công cộng khá tiện nhưng mà lỗi thẻ đi tàu hơi khó hiểu. Một chiếc thẻ có thể dùng chung cho cả nhóm, nhưng lại gặp trường hợp đứa này qua cửa rồi, đứa đi sau hết tiền không vào được. Có buổi sang, khi bạn mình mãi không nhét được tiền vào máy để top-up, mình đang cố gắng thử vận may của bạn thân (vì mình biết mình là đứa hay gặp may), cầu cái máy đừng nhả tiền ra nữa, nhưng không được. Thế rồi, cậu bạn đứng phía sau đi lên trước nạp 10 đồng vào thẻ của cậu rồi đưa nó cho mình, bảo mình nạp tiền vào đó mà dùng. Cậu chạy đi mà không đợi chúng mình cảm ơn.

DSCF6958

Đến chiều, khi ngồi đang ngồi ngắm hoàng hôn ở tháp Maiden, mình muốn ăn bánh xốp, gọi bạn bán hàng rong lại rồi mới phát hiện ra mình không có tiền mặt. Vậy mà, điều khiến mỉnh rất khó xử là cậu bạn vẫn đưa cho chúng mình 1 chiếc bánh, không lấy tiền. Lúc đấy mình  cảm động muốn khóc luôn. Đợi An đang đi chụp ảnh quay lại, móc túi ra 10 Euro, mình với Linh cầm đuổi theo cậu bạn. Cậu không nhận, mình bảo muốn mua 2 cốc trà và 2 cái bánh. Khi ấy mình cũng chả cần tính toán đắt hay rẻ, bởi cậu ấy cả chiều ở đây có bán được mấy đâu còn tặng bánh cho mình. Còn những bạn sinh viên cố gắng chỉ đường cho chúng mình chỗ đi chơi bằng vốn tiếng Anh ít ỏi. Có một sáng, bước ra Istiklal Caddesi thấy cảnh sát đừng đầy đường, mình sợ quá (bạo động gì chăng), bạn mình xui mình ra hỏi ảnh cảnh sát. Anh ấy không nói được tiếng Anh, anh đưa điện thoại của anh cho mình rồi bảo mình gõ câu hỏi bằng Google dịch. Khi bước vào một cửa hàng bánh Turkish Delights trên phố, người bán bánh vui vẻ chụp ảnh cùng chúng mình dù 5 đứa mua 1 cái bánh. Suốt 3 ngày ở Istanbul, ngày nào người dân ở đây cũng mời chúng mình 1 món “miễn phí” cho dù là người đàn ông trong nhà hàng sang trọng, người đi tàu hay người bán hàng rong.

DSCF7001-02

Tôn giáo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là Hồi Giáo. Trước đây, khi chỉ toàn xem thời sự thấy đánh bom và những điều tiêu cực trên báo đài, trong mình vẫn luôn dè chừng những vùng đất này. Liệu những con người ở đây có cực đoan và làm những điều “khó hiểu”?. Nhưng khi lần đầu tiên bước đôi chân trần vào thành đường Hồi Giáo nguy nga, lộng lẫy, bạn hướng dẫn viên nhét vào tay mình những cuốn sách và tờ giới thiệu về tôn giáo của bạn ấy. Điều mình hơi tiếc là lẽ ra mình nên mang một chiếc khăn để trùm đầu khi đến đây, để thể hiện sự tôn trọng với tôn giáo của họ. Khi mình đọc sách và thấy cách con người ở đây đối xử với mình, mình đã có một góc nhìn khác về Hồi Giáo. Mình sẽ dành bài blog sau chỉ để viết về những thánh đường và về những điều mình học được từ những cuốn sách bạn hướng dẫn đã gửi và những điều mình quan sát thấy.

Món ăn ở Thổ Nhĩ Kỳ – Đa dạng và đầy hương vị

Có một vấn đề trong việc ăn uống của mình là Tháng 7 âm lịch, tháng Vu Lan mình ăn chay. Đồ Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ không thân thiện với người ăn chay lắm. Nhìn các bạn gọi thịt mà mình chỉ gọi được mỗi đia salad. Cũng may là chuyến đi này vào cuối tháng 7 âm lịch, nên mình chỉ còn ăn chay 1 ngày.

Con đường Tơ lụa không trực trước đi qua Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Istanbul, trước đây là Byzantium và Constantinople, đã từng là một trong những thành phố quan trọng nhất trên tuyến đường giao thương này. Thành phố này nằm ở cửa biển Bosphorus, một địa điểm quan trọng cho giao thương biển giữa châu Âu và châu Á. Nó đã đóng vai trò là một trung tâm trao đổi hàng hóa và văn hóa giữa các nước trên con đường Tơ lụa. Thời kỳ hoàng đạo của con đường Tơ lụa đã thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa và tài nguyên giữa các khu vực khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ vị trí địa lý của mình, đã trở thành một điểm trung chuyển quan trọng cho hàng hóa đi qua từ châu Âu sang châu Á và ngược lại. Và sự giao thoa này cũng tạo nên một vùng đất “đậm đà” về văn hóa lẫn ẩm thực.

DSCF2522

Mình không hiểu tại sao có rất nhiều người “chê” đồ ăn ở Thổ Nhĩ Kỳ: Rau ăn còn sạn, quá ngọt, quá nhiều thịt, thịt cừu hôi, không có thịt lợn (do họ theo đạo Hồi). Nhưng trong suốt chuyến đi, ngày nào chúng mình cũng ăn no, và thậm chí còn vui vẻ quá khiến bàn bên cạnh buồn cười.

Không thể không kể đế Turkish Delights, có nguồn gốc từ thế kỷ 18 và đã trở thành một phần quan trọng của ẩm thực và văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Những chiếc bánh phủ mạch nha vàng ươm, óng ánh, dù biết là ngọt khét lẹt nhưng cũng không thể không thử. Bánh nhỏ xếp vào khay, đa dạng cả về hình dáng, thành phần, màu sắc xanh đỏ tìm vàng, đặt cạnh nhau, trưng bày trong tủ kính lấp lánh. Turkish Delights có nhiều loại hương vị khác nhau, bao gồm hương vị truyền thống như dứa, dừa và hạt hạnh nhân. Ngoài ra, có các phiên bản có hương vị hoa quả, chanh, và hương vị thảo mộc. Loại bánh mình thích nhất là Kunefe. Bánh có nhân cheese mềm, lớp bánh mì mỏng được xắp xếp ở dưới và trên lớp nhân phô mai, nướng giòn, sau đó phủ một lớp mạch nha dẻo quẹo. Món này ăn nóng sẽ ngon hơn vì sẽ thấy bánh giòn và pho mai chảy. Còn khi ăn nguội thì bánh mỳ nguội với pho mai dai dai, mạch nha hết thơm thì cũng như cao su vậy.

DSCF2542

20230917_151354

Kebab là một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thân thiện với người ăn chay. Bao năm ăn bánh mỳ Donner Kebab Thổ Nhĩ Kỳ ở cổng trường, lần đầu tiên mình được thưởng thức bản Authentic. Người ta không dùng thịt lợn, mà mình cũng không muốn ăn cừu, nên mình ăn thịt gà tây. Điều hay ho là con gà tây tiếng Anh cũng gọi là Turkey luôn 😀 Thịt nướng ở Thổ Nhĩ Kỳ tẩm ướp khá đơn giản, cảm giác như họ chỉ xử lý cho hết mùi hôi của thịt và nướng, chứ không có nhiều gia vị như bún chả Việt Nam hay thịt nướng Hàn Quốc. Ở đây mình thấy lạ vì mình thấy thịt cừu nướng rất ngon.

20230917_115128

20230915_201759

Hải Sản – Dù ở Thổ Nhì Kỳ không nhiều người check-in những bãi biển thơ mộng, các cô gái bikini nóng bỏng nhưng hải sản thì rất nhiều. Sau khi ngắm hoàng hôn ở Tháp Maiden và ăn hết chiếc bánh xốp cả màu trắng và hồng của cậu bạn hào phòng, chúng mình ăn tối ở nhà hàng Okyanus Balik, khu Uskudar. Đây là khu chợ rất nhiều hải sản tươi sống, nhà hàng, quán ăn, sầm uất về đêm. Người lái taxi giải thích cho mình Okyanus là Ocean, còn Balik là Cá. Sau bao lâu đi du học mình mới thấy nhà hàng có cá bơi trong bể, tươi sống, nướng giòn mà cảm nhận được vị tươi của thịt.

20230917_195856

Dù rằng Starbuck ở Thổ Nhì Kỳ rất rẻ, nhưng cà phê Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể bỏ qua khi đến đây. Đậm đà, và đặc sánh. Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ được xay rất mịn, thậm chí mịn hơn cả espresso. Điều này đảm bảo cà phê tan hoàn toàn trong nước nhiệt độ cao mà không cần sử dụng bất kỳ lọc nào. Khi cà phê Thổ Nhĩ Kỳ đun sôi, nó tạo ra một lớp bọt bong lên tạo nên một lớp kem sữa mịn màng ở trên cùng, gọi là “kaimaki.” Lớp này thể hiện chất lượng của cà phê. Mình thấy ở đây họ pha cà phê trong những bình kim loại nhỏ, có nắp, có tên là “cezve” hoặc “ibrik”, đặt chúng trên cát nóng.

20230919_161726

Một nét khá Tây Phương ở Thổ Nhĩ Kỳ là những món bánh truyền thống họ sử dụng cheese khá nhiều. Không chỉ là Kunefel mà còn là bánh gözleme (bánh kếp Thổ Nhĩ Kỳ). Món bánh này mình ăn ở Cappadocia, nhưng mình cũng sẽ tổng hợp luôn vào mục ẩm thực. Bánh có phần bột mỳ mỏng, nhân cheese mỏng ở giữa, nướng giòn. Sau đó bánh có nhiều phiên bản thêm các loại topping khác nhau.

20230919_161513

Món ăn đường phố ở Thổ Nhĩ Kỳ mình thấy nhiều nhất là ngô luộc và ngô nướng rắc muối (một điều rất khác với ngô ở Việt Nam) và bánh mỳ vòng có vừng.

DSCF2515

DSCF2486

Những địa danh ở Istanbul – Vừa giống châu Âu, vừa giống Châu Á và cũng chẳng giống đâu cả.

Istanbul có con sông Bosphorus chảy qua. Sông này kết nối Biển Marmara ở phía nam với Biển Đen ở phía bắc và chia thành phố Istanbul thành hai phần, một phần thuộc châu Âu và một phần thuộc châu Á. Điều này làm cho Istanbul trở thành thành phố duy nhất trên thế giới nằm ở cả hai châu lục này. Có một chuyến phà, cũng là giao thông công cộng trong thành phố, đi trên đó với giá vé rất “xe bus” bạn có thể nhìn thấy 2 bên bờ là 2 châu lục hoàn toàn khác nhau. Bờ châu Âu cổ kính, với những mái nhà rêu phong, còn bờ châu Á mới và hiện đại hơn. Người dân ở hai bờ này thì họ vẫn là người Thổ Nhĩ Kỳ không khác nhau.

F9CDD008-4E53-4874-8AAA-DD926CE3FF78-1048-000000160687B9CE

DSCF2505

Chúng mình thuê khách sạn ở ngay dưới chân tháp Galata, bên bờ châu Âu. Tháp Galata được xây dựng vào thế kỷ 14, vào thời kỳ Byzantium, và được gọi là “Torre di Christoforo Colombo” trong tiếng Ý, đặt theo tên của Christopher Columbus khi ông sống ở Istanbul trước khi ra khơi khám phá Châu Mỹ. Tháp đã trải qua nhiều sự thay đổi và sửa chữa trong lịch sử, và nó từng được sử dụng với các mục đích khác nhau, bao gồm đài quan sát và nhà tù. Nói đến Christopher Columbus, nhớ đến sự chinh phục, phát kiến, mình lại nhớ câu chuyện Simbad ra đại dương. Mình cảm nhận được sức sống của vùng đất này, họ không chỉ nhận những thuận lợi ở khu vực địa lý kết nối thế giới, những sản vật trù phú của Á – Âu được mang đến trên những hành trình trên con đường Tơ Lụa, mà chính nơi đây cũng là nơi bắt đầu của những hành trình khám phá thế giới.

DSCF2536

Istanbul là một trong những thành phố có nhiều thánh đường Hồi giáo lịch sử và nổi tiếng trên thế giới. Chúng mình dành một ngày ở những thành đường hồi giáo. Du khách đến đây rất đông. Bạn nên chuẩn bị sẵn khăn trùm đầu, mặc đồ dài khi đến đây. Mỗi ngày, vào những giờ cố định, người dân lại cầu nguyện. Thậm chí đến những khu chợ, cũng bắt gặp những khu vực cầu nguyên riêng. Chúng mình đến 2 thánh đường lớn nhất nằm gần nhau đó là Hagia Sophia và Blue Mosque – Sultan Ahmed Mosque. Quanh khu vực này còn có các viện bảo tàng, khu vực ở của các Sultan ngày xưa.

DSCF2389

DSCF2390

Thánh đường Hagia Sophia là một trong những công trình kiến trúc lịch sử quan trọng nhất của Istanbul. Ban đầu được xây dựng như một nhà thờ đạo Kitô vào thế kỷ 6, sau đó nó đã trở thành một thánh đường Hồi giáo khi thành Constantinople rơi vào tay đế quốc Ottoman vào thế kỷ 15. Thánh đường Sophia đã trở thành một biểu tượng của sự hòa hợp giữa kiến trúc đạo Kitô và Hồi giáo, và nó nằm ở trung tâm Istanbul. Còn Thánh đường Xanh là một trong những thánh đường Hồi giáo nổi tiếng nhất và đẹp nhất của Istanbul. Nó được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới triều đại của Sultan Ahmed I. Thánh đường này nổi tiếng với kiến trúc đá saphia độc đáo và bề mặt nội thất được trang trí bằng gốm men màu xanh lá cây, tạo nên một không gian trang nghiêm và tôn thờ.

B24F7ADD-3FEF-4C9E-BE23-EEEBFBB7A280-2281-00000033E559DAAC-01

Ngoài lối kiến trúc rất cầu kỳ, điều mình ấn tượng ở đây là cách những tín đồ Hồi Giáo giới thiệu về tôn giáo của họ. Sách, kinh với 60 thứ tiếng được phát miễn phí. Ý này không hề cực đoan như mời chào “bạn hãy theo tôn giáo của tôi đi”, mà họ mong mình hiểu về họ. Họ thậm chí còn có những bài giới thiệu về mối quan hệ giữa Hồi Giáo vào Công Giáo, liệu nhưng tôn giáo này là thù hay là bạn. Nếu chỉ xem mấy tin đánh bom vùng Trung Đông trên báo đài, nhiều ngưới sẽ nghĩ Hồi Giáo là tôn giáo nhiều xung đột và những quy tắc rất hà khắc. Ví dụ, tội ăn cắp sẽ bị chặt tay. Nhưng đó là lý do tại sao mà những người bán hàng sau một ngày cứ để hàng của mình ngoài phố mà chẳng sợ có kẻ trộm nào. Thay vì đánh giá dựa trên những thông tin hạn chế và ý kiến 1 chiều, chúng mình nên hiểu trước khi phán xét. Những vấn đề liên quan đến xung đột, chiến tranh còn xuất phát từ những yếu tố chính trị và xã hội nữa, nên chúng ta không thể đổ hết nguyên do cho những bất ổn đó vì một tôn giáo đã có hàng ngàn đời nay và từ xưa họ phát triển rất hung thịnh.

DSCF2398

2023_0915_14005500

Bạn sẽ không thể biết người dân địa phương sống thế nào nếu không biết chợ của họ ra sao. Chúng mình bước vào khu chợ Spice Bazaar thấy thơm lừng mùi gia vị, quà bánh, đồ ăn. Những tưởng Ấn Độ mới là thiên đường của gia vị, nhưng vào đây mình đã thấy choáng ngợp. Đi sâu vào bên trong là Grand Bazaar, khu bán đồ kiểu quần áo, thảm, đồ gia dụng. Chợ Grand Bazaar đã tồn tại suốt hàng thế kỷ, được thành lập vào thế kỷ 15, vào thời kỳ của Sultan Mehmed the Conqueror (Sultan Mehmet II) sau khi Ottoman chinh phục thành Constantinople và đổi tên thành Istanbul. Đây không chỉ là nơi mua sắm, mà còn là một phần của văn hóa du lịch của Istanbul. Những con đường dốc, hàng quán san sát, nhìn rất giống trong phim Aladin và cây đèn thần. Một nét đặc trưng của châu Á, đó là những khu chợ, các sạp hàng quán san sát nhau và bạn có thể tìm thấy đủ thứ trên đời, thậm chí cả vàng hay Dior, Channel, Luis Vuiton =)) Mỗi lần vào chợ, chúng mình cũng đi qua máy quét an ninh.

DSCF2532

DSCF2530

Địa danh Instagram-able nhất Istanbul đó là khu Balat, khu nhà cổ với những ngôi nhà nhiều màu sắc, bên bờ sông Haliç (Golden Horn). Khu Balat đã tồn tại từ thời Byzantium và tiếp tục phát triển dưới thời Ottoman. Nó từng là khu vực quan trọng cho cộng đồng Do Thái ở Istanbul. Balat đã trở thành nơi gắn kết của nhiều cộng đồng và tôn giáo khác nhau, bao gồm Do Thái, Cơ đốc giáo, và Hồi giáo. Điều này tạo ra một sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo trong khu vực nhiều màu sắc này. Mình cảm giác khu vực này “Tây” hơn so với những khu khác ở bờ Châu Âu. Khá nhiều nhà ở đây bỏ hoang, không còn người dân sinh sống nữa. Đi ra một đoạn gặp khu chợ sầm uất, người dân uống cà phê, nắng chiều vàng ươm, cái cảm giác nên thơ khó tả.

DSCF2440-01

DSCF2478

DSCF2494

DSCF2473-01

Mua sắm ở Istanbul – Rẻ đẹp và chất lượng

Điều mình để ý thấy ở Istanbul là con phố mua sắm nổi tiếng Istiklal Caddesi (Avenue of Independence), bán hàng suốt cả đêm, to không thua kém gì Oxford Street ở London, nhưng chỉ có một vài thương hiệu quốc tế như Mango, Zara. Những thương hiệu này thường tập trung tại khu Châu Á nhiều hơn, còn bên bờ châu Âu hàng địa phương chiếm ưu thế. Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến với việc sản xuất các sản phẩm may mặc chất lượng cao. Những thương hiệu nội địa rất sang trọng, hoa văn màu sắc tinh tế (Style Trung Quốc Hàn Quốc) nhưng không bánh bèo mà cũng không “cứng nhắc” và ít màu sắc như châu Âu. Mỗi lần đi qua cái biển quảng cáo lại thấy mấy chị sang chảnh, ước gì mình được đi làm để mặc đẹp girl boss như thế. Giá cả so với Anh thì rẻ hơn khá nhiều. Mình nghĩ nó chỉ tầm giá các shop nội địa ở Hà Nội.

DSCF2540

Váy thêu hoa văn rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng hợp với khung cảnh nơi đây. Thường mình không phải đứa mua sắm khi đi du lịch vì không mang về nhà được, nhưng do nhận thấy mình mang thiếu đồ nên mình đã mua 1 chiếc váy trắng, thêu hoa xanh để chuẩn bị đi Cappadocia. Váy dài tay, midi dài đến chân đi nắng không sợ cháy, phù hợp thời thiết, vải dày dặn mà mát mẻ, nắng gắt chiếu vào cũng không lộ. Lúc mua sợ nhàu, hỏi bạn bán hàng là qua mà không được. Mình giặt bằng tay thì vải trở nên mềm hơn, mà càng mặc càng phẳng ra. Rộng rãi thoải mái ưng quá trời. Mà nếu không mua thì chắc phải mặc quần đùi áo phông đến Cappadocia thật quá phí hoài tuổi xuân. Mình sẽ viết về Cappadocia và những chuyện khác trong chuyến đi trong bài blog sau.

DSCF7159-01

Những người đồng hành

Người ta nói không quan trọng bạn đi đâu mà bạn đi với ai. Nhưng mà với mình cả hai cùng quan trọng. Chuyến đi này trọn vèn hơn bởi nó cho mình khai sáng đầu óc, học về những điều mình chưa biết. An dạy mình cách chụp ảnh mà đến lúc về London đêm ngủ mình vẫn còn nghe vang vọng tiếng quát của hắn. Rồi mình hiểu thêm về cộng đồng LGBT+, đạo Công giáo, về sự phát triển bản thân. Có cả lúc để bản thân mình được “xấu tính” một chút sau những cuộc gossip, thoái mái nói về những điều mình không thích mà không sợ phán xét. Nói chuyện với Linh về những năm tháng sinh viên, mình lại thấy rạo rực những ý tưởng và nhiệt huyết muốn làm dự án cho cộng đồng, thấy trẻ lại như mình còn năm 2 năm 3. Câu chuyện của Hoài cho mình thêm một góc nhìn về con người, cũng như cách mạnh mẽ, kiên quyết đối mặt với những điều không vừa ý. Còn cả câu chuyện sẵn sàng chuẩn bị nếu thất bại, cải thiện bản thân không ngừng của Dung.

IMG_6534

Mỗi người có một câu chuyện riêng khiến mình thực sư ngưỡng mộ và mình thầm biết ơn Chevening đã mang những con người đầy cảm hứng này đến trong cuộc sống của mình. Mỗi lần apply vào một chương trình nào đó, điều mình kỳ vọng nhất đó là được ở trong cộng đồng của những người giỏi. Nhưng ở trong đó rồi, tự hào 1 phần, còn “áp lực” thì 9 phần. Mình từng rất tự ti ở trong nhóm đi học cùng năm với mình. Có thể sự tự ti đó giờ vẫn còn và luôn tồn tại. Có thể mình luôn là đứa tạo áp lực cho mình. Cái cảm xúc thường trưc mỗi lần làm admin tổng hợp 1 bài phỏng vấn nhân vật trên Mind the Gap, mình lại tự hỏi “Sao anh chị giỏi thế, còn tôi đã làm gì cho tổ quốc hôm nay?”. Vô tình là khi càng thân, càng nói chuyện, mình lại nhận ra không chỉ mình có những áp lực đó, mà ai cũng có một áp lực của riêng mình hoặc chúng mình lại tạo áp lực cho nhau. Nhưng sự ngưỡng dành cho những người này, trước đây vì thành tích họ đạt được, nay mình nhìn họ theo cách khác. Mình ngưỡng mộ cách mà họ dối diện với những khó khăn trong cuộc sống để trưởng thành, thay đổi và làm những điều có ích. Mình tin rằng có những áp lực xấu và cũng có áp lực tốt. Có thứ sẽ đẩy chúng ta xuống bể ghen tị và tiêu cực, cũng có cái áp lực như dây cót đẩy ta đứng dậy. Vì thế mà mình luôn thấy một sự may mắn và biết ơn, không chỉ vì 1 năm mình được đi học, được cơm nuôi sống thoải mái chả phải lo nghĩ gì, mà còn có một cái dây cót ở phía sau đẩy mình mãi mãi về sau, để mình luôn không ngừng tiến về phía trước, không ngững cố gắng làm những điều có ích để xứng đáng là Chevener.

2023-09-17-23-56-58-575-01

Kết

Thực sự, trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, mình không kỳ vọng quá nhiều. Mình thậm chí còn chẳng lên danh sách những địa danh muốn đến mà chỉ đi theo các bạn. Mình đến với một chút dè chừng và lo lắng. Mình đi khi ở nhà vẫn bộn bề bao việc. Nhưng chuyến đi này tuyệt vời hơn so với mình có thể tưởng tượng được. Mình lại nhớ đến cuốn sách Con đường Hồi Giáo của chị Nguyễn Phương Mai. Mình hiểu rằng, khi mình đến vùng đất này với một trái tim mở toang không toan tính, không định kiến, khi mình mở to mắt để ngắm nhìn xung quanh cùng một sự tò mò và hân hoan, vùng đất ấy đã mở rộng bàn tay chào đón mình, và cho mình thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp. Khi bước vào những con phố hẹp và dốc, những khu chợ sầm uất, cảm giác như bước vào câu chuyện mình đọc từ khi còn bé, mình lại thêm tin rằng cuộc sống này vẫn còn những điều đẹp như truyện cổ tích.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]